Theo dõi người khác có vi phạm pháp luật không? (Ảnh minh họa)
Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân được pháp luật bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, cụ thể:
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định…
Căn cứ Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, dịch vụ điều tra và thám tử được xem là một trong những ngành, nghề thuộc Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, nằm trong nhóm các hoạt động điều tra bảo vệ an toàn.
Theo các quy định nêu trên, hoạt động thám tử, điều tra, theo dõi vẫn được xem là một ngành nghề hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều tra, theo dõi người khác phải không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, bí mật cá nhân, gia đình của họ.
Trường hợp người không hành nghề thám tử, nhưng có hành vi theo dõi người khác cũng phải đảm bảo nguyên tắc nêu trên. Đồng thời việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Mặc dù nghề thám tử điều tra được xem là hợp pháp tại Việt Nam, nhưng nếu việc điều tra, theo dõi sau đó có hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, người có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
- Người nào theo dõi, điều tra người khác thông qua đồ dùng cá nhân như điện thoại, thư tín có thể bị truy cứu TNHS nếu rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Mức phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 3 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Trong trường hợp người theo dõi thông qua việc xâm nhập nơi ở của người khác có thể bị truy cứu TNHS đối với Tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Theo đó, người có hành vi khám xét, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Mức phạt tối đa đối với người phạm tội này có thể lên đến 5 năm tù.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như Mai