Thừa phát lại có phải là công chức không? (Ảnh minh họa)
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan
Theo quy định trên thì Thừa phát lại là những người được bổ nhiệm và làm việc tại các tổ chức hành nghề Thừa phát lại (văn phòng Thừa phát lại).
Đồng thời tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định:
- Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
- Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.
Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Theo như các quy định trên thì Thừa phát lại cũng được bổ nhiệm nhưng Văn phòng Thừa phát lại hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh, và hơn nữa Thừa phát lại không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà hưởng thù lao từ hợp đồng ký với khách hàng. Do đó, Thừa phát lại không phải là công chức.
Diễm My