Chế độ mai táng phí của cán bộ hưu trí năm 2022
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 4 và Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì trợ cấp mai táng (còn gọi là chế độ mai táng phí) thuộc chế độ tử tuất khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
* Theo khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước,
Tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
* Theo khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định những người sau đây khi chết được nhận một lần trợ cấp mai táng như sau:
(1) Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên như sau:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng,
Kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
(2) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
(3) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
* Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí theo Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm các đối tượng tại mục (1).
Từ quy định trên, cán bộ hưu trí thuộc đối tượng được nhận một lần trợ cấp mai táng phí sau khi chết.
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ mai táng phí của cán bộ hưu trí như sau:
- Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người được nhận chế độ mai táng phí chết.
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì mức lương cơ sở từ 01/7/2019 là 1.499.000 đồng/tháng.
- Người được nhận chế độ mai táng phí bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người này chết.
Chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Chế độ hưu trí và tử tuất đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện như sau:
+ Có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc; mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở, trừ người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;
+ Có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc;
+ Có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì trợ cấp mai táng được thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Quốc Đạt