Phạm tội gây rối trật tự công cộng thì có được hưởng án treo?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
08/10/2022 10:14 AM

Cho tôi hỏi phạm tội gây rối trật tự công cộng thì có được hưởng án treo không? – Phương Trang (TP.HCM)

Phạm tội gây rối trật tự công cộng thì có được hưởng án treo?

Phạm tội gây rối trật tự công cộng thì có được hưởng án treo? (Hình từ internet)

1. Khung hình phạt tội gây rối trật tự công cộng

Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt như sau:

- Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

+ Xúi giục người khác gây rối;

+ Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

+ Tái phạm nguy hiểm.

2. Điều kiện để được hưởng án treo

Điều kiện để người bị kết án phạt tù được hưởng án treo được quy định tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015, Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP như sau:

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

(1) Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

(2) Có nhân thân tốt.

Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

- Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

- Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

- Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

(3) Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

(4) Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

(5) Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Những trường hợp không cho hưởng án treo

Những trường hợp không cho hưởng án treo được quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP) bao gồm:

- Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

- Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.

- Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau đây:

+ Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;

+ Người phạm tội bị xét xử và kết án về 02 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể.

- Người phạm tội 02 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau:

+ Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;

+ Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng;

+ Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;

+ Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú.

+ Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

4. Phạm tội gây rối trật tự công cộng thì có được hưởng án treo?

Như đã phân tích ở trên, nếu phạm tội gây rối trật tự công cộng mà đáp ứng đủ điều kiện tại mục (2) và không rơi vào các trường hợp không được hưởng án treo tại mục (3) thì có thể được hưởng án treo.

Thẩm quyền quyết định cho bị cáo hưởng án treo thuộc về Tòa án.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,693

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]