Quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
19/10/2022 10:30 AM

Xin cho hỏi người trưng cầu giám định tư pháp là ai? Những người trưng cầu giám định tư pháp có các quyền và nghĩa vụ như thế nào? - Thành Pháp (Hậu Giang)

Quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp

Quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người trưng cầu giám định tư pháp là ai?

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Cụ thể, giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020).

(Khoản 2 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020))

2. Quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp

2.1. Quyền của người trưng cầu giám định tư pháp

Cụ thể tại khoản 1 Điều 21 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), người trưng cầu giám định có quyền:

(i) Trưng cầu cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020) thực hiện giám định

Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

(ii) Yêu cầu cá nhân, tổ chức quy định tại (i) trả kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn đã yêu cầu;

(iii) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định.

2.2. Nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp

Người trưng cầu giám định phải thực các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), cụ thể như sau:

- Xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; lựa chọn cá nhân, tổ chức có năng lực, đủ điều kiện thực hiện giám định phù hợp với tính chất, nội dung cần giám định để ra quyết định trưng cầu giám định;

- Ra quyết định trưng cầu giám định bằng văn bản;

- Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp;

- Tạm ứng, thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp;

- Thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp bị đe dọa do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp.

3. Nội dung quyết định trưng cầu giám định tư pháp

Theo khoản 1 Điều 25 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. 

Cụ thể, quyết định trưng cầu giám định phải có các nội dung sau đây:

- Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;

- Tên tổ chức; họ, tên người được trưng cầu giám định;

- Tóm tắt nội dung sự việc;

- Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;

- Tên tài liệu, đồ vật có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

- Nội dung chuyên môn của vấn đề cần giám định;

- Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định tư pháp.

(Khoản 2 Điều 25 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020))

4. Thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định tư pháp

Trong trường hợp trưng cầu giám định thì thời hạn giám định tư pháp được xác định như sau:

(1) Thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.

Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu.

Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.

(2) Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

(3) Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020) tối đa là 03 tháng.

Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực giám định quy định thời hạn giám định tư pháp cho từng loại việc cụ thể.

Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.

Khi đó, người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định tư pháp nhưng không được vượt quá thời hạn quy định tại (2), (3).

Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

(Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020))

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,306

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]