Điều kiện với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/10/2022 15:30 PM

Đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới là ai? Và điều kiện với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới được quy định thế nào? - Thúy Vy (Bến Tre)

Điều kiện với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới

Điều kiện với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới là ai?

Theo khoản 5 và khoản 6 Điều 3 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới như sau:

- Đăng kiểm viên là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên để thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kiểm định xe cơ giới. Đăng kiểm viên gồm hai hạng: 

+ Đăng kiểm viên xe cơ giới;

+ Đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

- Nhân viên nghiệp vụ kiểm định là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp Chứng chỉ nhân viên nghiệp vụ để thực hiện công việc: Nhận, trả, lưu trữ hồ sơ, nhập dữ liệu, tra cứu, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xe cơ giới vào kiểm định và in chứng chỉ kiểm định.

2. Điều kiện đối với đăng kiểm viên xe cơ giới

Theo Điều 14 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới như sau:

- Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới:

- Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo Kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học có các nội dung sau: Lý thuyết ô tô, Cấu tạo ô tô, Kết cấu tính toán ô tô, Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các nội dung tương đương. 

Trường hợp không đầy đủ các các nội dung trên, có thể được đào tạo bổ sung tại các trường đại học;

+ Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định;

+ Có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Kết quả đánh giá được thể hiện trên Biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP;

Phụ lục IV

+ Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.

- Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao:

+ Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học phải có đầy đủ các nội dung sau: Lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô, Kết cấu tính toán ô tô, Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các nội dung tương đương;

+ Là đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng;

+ Có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Kết quả đánh giá được thể hiện trên Biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.

3. Điều kiện đối với nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới

Điều kiện đối với nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới theo Điều 20 Nghị định 139/2018/NĐ-CP như sau:

- Trình độ chuyên môn tối thiểu tốt nghiệp trung cấp nghề.

- Được tập huấn và cấp chứng chỉ tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

4. Quy định về tập huấn với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm xe cơ giới

4.1. Tập huấn với đăng kiểm viên

Theo Điều 6 Thông tư 18/2019/TT-BGTVT quy định về tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên như sau:

- Trong suốt quá trình giữ hạng, các đăng kiểm viên phải tham gia tập huấn cập nhật, bổ sung nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật có liên quan và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác kiểm định xe cơ giới.

- Đăng kiểm viên xe cơ giới được thực hiện kiểm tra 05 công đoạn trong kiểm định xe cơ giới, đáp ứng quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định 139/2018/NĐ-CP có nhu cầu tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao sẽ được tập huấn các nội dung sau:

+ Văn bản pháp lý: cập nhật các quy định, hướng dẫn nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong kiểm định và kiểm tra chứng nhận kiểu loại xe cơ giới;

+ Nghiệp vụ kỹ thuật: phân tích kết cấu; chẩn đoán trạng thái kỹ thuật, hư hỏng và nguyên nhân hư hỏng của các chi tiết, hệ thống, tổng thành xe cơ giới và biện pháp khắc phục; 

Quy định chung về cải tạo xe cơ giới; công nghệ mới được trang bị trên xe cơ giới; nội dung, phương pháp và thiết bị kiểm tra mới trong công tác kiểm định;

+ Các chuyên đề: khuyến nghị của Tổ chức kiểm định ô tô quốc tế trong công tác kiểm định, quản lý chất lượng các đơn vị đăng kiểm; an toàn giao thông và giám định tai nạn giao thông đường bộ; các yêu cầu về hướng dẫn thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới.

4.2. Tập huấn với nhân viên nghiệp vụ kiểm định

Tập huấn với nhân viên nghiệp vụ kiểm định theo Điều 7 Thông tư 18/2019/TT-BGTVT với các nội dung như sau:

- Tập huấn lý thuyết:

+ Tổng quan: hệ thống mạng lưới, tổ chức kiểm định xe cơ giới; đạo đức nghề nghiệp; quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác kiểm định; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới;

+ Văn bản pháp lý: các quy định, hướng dẫn nghiệp vụ; yêu cầu về hồ sơ kiểm định; trình tự thực hiện kiểm định; phân loại phương tiện, phí, lệ phí kiểm định; quản lý hồ sơ, báo cáo, truyền số liệu kiểm định.

- Hướng dẫn thực hành: Hướng dẫn sử dụng các chương trình, phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới.

- Kết thúc tập huấn, người tham gia tập huấn nhân viên nghiệp vụ được cấp Chứng chỉ tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 18/2019/TT-BGTVT.

Phụ lục 2

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,731

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]