Quyền định đoạt là gì? Quy định về quyền định đoạt theo Bộ luật Dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
25/10/2022 09:00 AM

Xin hỏi là quyền định đoạt là gì? Quyền định đoạt được quy định thế nào theo Bộ luật Dân sự

Quyền định đoạt là gì? Quy định về quyền định đoạt theo Bộ luật Dân sự

Quyền định đoạt là gì? Quy định về quyền định đoạt theo Bộ luật Dân sự

1. Quyền định đoạt là gì?

Tại Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sở hữu như sau:

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Như vậy, quyền định đoạt tài sản là một loại quyền sở hữu.

Căn cứ Điều 192 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền định đoạt như sau:

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.

2. Điều kiện thực hiện quyền định đoạt

Tại Điều 193 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện thực hiện quyền định đoạt như sau:

Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật.

Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.

3. Quy định về quyền định đoạt

3.1. Quyền định đoạt của chủ sở hữu

Căn cứ Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền định đoạt của chủ sở hữu như sau:

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

3.2. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu

Tại Điều 195 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu như sau:

Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

4.  Hạn chế quyền định đoạt 

Tại Điều 196 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hạn chế quyền định đoạt như sau:

- Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.

- Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.

5. Quyền định đoạt đối với tài sản chung

Căn cứ Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về định đoạt tài sản chung như sau:

- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

- Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.

Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

- Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

- Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 41,238

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]