Luật Quy hoạch mới nhất và tổng hợp văn bản hướng dẫn
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Luật Quy hoạch mới nhất được ban hành vào ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, bao gồm 06 chương và 59 điều.
Cụ thể cấu trúc của Luật Quy hoạch mới nhất như sau:
- Chương I: Những quy định chung
- Chương II: Lập quy hoạch
+ Mục 1: Tổ chức lập quy hoạch
+ Mục 2: Nội dung quy hoạch
- Chương III: Thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và cung cấp thông tin quy hoạch
+ Mục 1: Thẩm định quy hoạch
+ Mục 2: Quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch
+ Mục 3: Công bố và cung cấp thông tin quy hoạch
- Chương IV: Thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch
+ Mục 1: Thực hiện quy hoạch
+ Mục 2: Đánh giá thực hiện quy hoạch
+ Mục 3: Điều chỉnh quy hoạch
- Chương V: Quản lý nhà nước về quy hoạch
- Chương VI: Điều khoản thi hành
Sau đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch mới nhất:
- Nghị quyết 63/NĐ-CP năm 2019 ban hành danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch.
- Thông tư 113/2018/TT-BTC quy định về giá trong hoạt động quy hoạch.
- Công văn 373/BKHĐT-QLQH ngày 22/01/2021 về việc hướng dẫn và cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh.
Theo Điều 4 Luật Quy hoạch 2017, các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch bao gồm:
- Tuân theo quy định Luật Quy hoạch 2017, quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
- Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
- Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.
- Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch.
- Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
- Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước.
Cụ thể tại Điều 10 Luật Quy hoạch 2017, các chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch được quy định như sau:
- Nhà nước quản lý phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.
- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch.
- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch.