Cảng cá là gì? Các tiêu chí phân loại cảng cá loại I, II, III

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
17/11/2022 14:01 PM

Tôi muốn biết các tiêu chí phân loại cảng cá loại I, II, III được quy định như thế nào? - Văn Hải (Đà Nẵng)

Cảng cá là gì? Các tiêu chí phân loại cảng cá loại I, II, III

Cảng cá là gì? Các tiêu chí phân loại cảng cá loại I, II, III

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cảng cá là gì?

Theo khoản 24 Điều 3 Luật Thủy sản 2017, cảng cá là cảng chuyên dụng cho tàu cá, bao gồm vùng đất cảng cá và vùng nước cảng cá.

Trong đó:

- Vùng đất cảng cá là khu vực được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và công trình phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của cảng cá.

- Vùng nước cảng cá là vùng nước được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng vào cảng cá và công trình phụ trợ khác.

(Khoản 25 và 26 Điều 3 Luật Thủy sản 2017)

2. Các tiêu chí phân loại cảng cá loại I, II, III

2.1. Tiêu chí phân loại cảng cá loại I

Cảng cá loại I phải đáp ứng các tiêu chí được quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Thủy sản 2017, cụ thể như sau:

- Vị trí là nơi thu hút tàu cá của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tàu nước ngoài vào bốc dỡ thủy sản và thực hiện các dịch vụ nghề cá khác; là đầu mối phân phối hàng thủy sản của khu vực;

- Các trang thiết bị chủ yếu phục vụ cho bốc dỡ hàng hóa của cảng được cơ giới hóa tối thiểu 90%;

- Có diện tích vùng nước cảng tối thiểu từ 20ha trở lên;

- Có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước trước cầu cảng theo quy định của Chính phủ

Cụ thể, đối với cảng cá loại I: Có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước cảng đủ điều kiện cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên ra vào cảng (Khoản 1 Điều 60 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

- Có diện tích vùng đất cảng từ 04 ha trở lên; đối với cảng cá tại đảo, diện tích vùng đất cảng phải từ 01 ha trở lên; có nhà làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ;

- Lượng hàng thủy sản qua cảng từ 25.000 tấn/năm trở lên; đối với cảng cá tại đảo, lượng hàng thủy sản qua cảng từ 3.000 tấn/năm trở lên.

2.2. Tiêu chí phân loại cảng cá loại II

Cảng cá loại II phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Vị trí là nơi thu hút tàu cá của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến bốc dỡ thủy sản và thực hiện các dịch vụ nghề cá khác; là đầu mối phân phối hàng thủy sản của địa phương;

- Các trang thiết bị chủ yếu phục vụ cho bốc dỡ hàng hóa của cảng được cơ giới hóa tối thiểu 70%;

- Có diện tích vùng nước cảng tối thiểu từ 10 ha trở lên;

- Có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước trước cầu cảng theo quy định của Chính phủ

Đối với cảng cá loại II: Có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước cảng đủ điều kiện cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên ra vào cảng. (Khoản 2 Điều 60 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

- Có diện tích vùng đất cảng từ 2,5 ha trở lên; đối với cảng cá tại đảo, diện tích vùng đất cảng phải từ 0,5 ha trở lên; có nhà làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ;

- Lượng hàng thủy sản qua cảng từ 15.000 tấn/năm trở lên; đối với cảng cá tại đảo, lượng hàng thủy sản qua cảng từ 1.000 tấn/năm trở lên.

(Khoản 2 Điều 78 Luật Thủy sản 2017)

2.3. Tiêu chí phân loại cảng cá loại III

Theo khoản 3 Điều 78 Luật Thủy sản 2017, cảng cá loại III phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Vị trí là nơi thu hút tàu cá của các địa phương trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Có diện tích vùng đất cảng từ 0,5 ha trở lên; đối với cảng cá tại đảo, diện tích vùng đất cảng phải từ 0,3 ha trở lên; có nhà làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ.

3. Quy định về quản lý cảng cá

Việc quản lý cảng cá được thực hiện như sau:

- Tổ chức quản lý cảng cá được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức quản lý cảng cá được giao quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng cá, vùng đất cảng cá, vùng nước cảng cá; quản lý dịch vụ hậu cần nghề cá trong cảng cá.

- Việc cho thuê, khai thác một phần hoặc toàn bộ cảng cá được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc hợp tác công tư thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 80 Luật Thủy sản 2017)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,380

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]