Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
05/12/2022 17:30 PM

Chương trình đào tạo là gì? Và chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được quy định thế nào? - Kiên Trung (Tiền Giang)

Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học

Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chương trình đào tạo là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT thì chương trình đào tạo là  một hệ thống các hoạt động giáo dục, đào tạo được thiết kế và tổ chức thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đào tạo, hướng tới cấp một văn bằng giáo dục đại học cho người học. 

Chương trình đào tạo bao gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với môn học, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

2. Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học

Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo Chương II Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT như sau:

2.1. Mục tiêu của chương trình đào tạo

- Phải nêu rõ kỳ vọng của cơ sở đào tạo về năng lực và triển vọng nghề nghiệp của người tốt nghiệp chương trình đào tạo.

- Phải thể hiện được định hướng đào tạo: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng hoặc định hướng nghề nghiệp; đáp ứng nhu cầu của giới tuyển dụng và các bên liên quan.

- Phải phù hợp và gắn kết với sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo, nhu cầu của xã hội; phù hợp với mục tiêu của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học và mô tả trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

2.2. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

- Phải rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được về hiểu biết chung và năng lực cốt lõi ở trình độ đào tạo, những yêu cầu riêng của lĩnh vực, ngành đào tạo.

- Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học.

- Phải nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo, thể hiện được sự đóng góp rõ nét đồng thời phản ánh được những yêu cầu mang tính đại diện cao của giới tuyển dụng và các bên liên quan khác.

- Phải chỉ rõ bậc trình độ cụ thể và đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, năng lực cần thiết theo quy định cho bậc trình độ tương ứng theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

- Phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành hoặc cùng lĩnh vực.

- Phải được cụ thể hóa một cách đầy đủ và rõ nét trong chuẩn đầu ra của các học phần và thành phần trong chương trình đào tạo, đồng thời được thực hiện một cách có hệ thống qua liên kết giữa các học phần và các thành phần.

- Phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khối lượng chương trình để phần lớn người học đã đáp ứng chuẩn đầu vào có khả năng hoàn thành của chương trình đào tạo trong thời gian tiêu chuẩn.

2.3. Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo

- Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo phải xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.

- Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo đại học và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: Người học phải tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trình độ tương đương.

- Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo thạc sĩ: Người học phải tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. 

Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, người học phải tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập.

- Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo tiến sĩ: Người học phải tốt nghiệp thạc sĩ hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 ngành phù hợp hoặc tốt nghiệp hạng giỏi trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; 

Có trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc trình độ tương đương trở lên); có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu.

2.4. Khối lượng học tập

- Khối lượng học tập của chương trình đào tạo, của mỗi thành phần hoặc của mỗi học phần trong chương trình đào tạo được xác định bằng số tín chỉ.

+ Một tín chỉ được tính tương đương 50 giờ học tập định mức của người học, bao gồm cả thời gian dự giờ giảng, giờ học có hướng dẫn, tự học, nghiên cứu, trải nghiệm và dự kiểm tra, đánh giá;

+ Đối với hoạt động dạy học trên lớp, một tín chỉ yêu cầu thực hiện tối thiểu 15 giờ giảng hoặc 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận trong đó một giờ trên lớp được tính bằng 50 phút.

- Khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể như sau:

+ Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành;

+ Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;

+ Chương trình đào tạo thạc sĩ: 60 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;

+ Chương trình đào tạo tiến sĩ: 90 tín chỉ với người có trình độ thạc sĩ, 120 tín chỉ với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.

- Khối lượng học tập tối thiểu đối với các chương trình đào tạo song ngành phải cộng thêm 30 tín chỉ, đối với chương trình đào tạo ngành chính - ngành phụ phải cộng thêm 15 tín chỉ so với chương trình đào tạo đơn ngành tương ứng.

2.5. Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo

- Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo:

+ Phải thể hiện rõ vai trò của từng thành phần, học phần, sự liên kết logic và bổ trợ lẫn nhau giữa các thành phần, học phần đảm bảo thực hiện mục tiêu, yêu cầu tổng thể của chương trình đào tạo;

+ Phải thể hiện rõ đặc điểm và yêu cầu chung về chuyên môn, nghề nghiệp trong lĩnh vực, nhóm ngành ở trình độ đào tạo, tạo điều kiện thực hiện liên thông giữa các ngành và trình độ đào tạo; đồng thời thể hiện những đặc điểm và yêu cầu riêng của ngành đào tạo;

+ Phải quy định rõ những thành phần chính yếu, bắt buộc đối với tất cả người học; đồng thời đưa ra các thành phần bổ trợ, tự chọn để người học lựa chọn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân;

+ Phải định hướng được cho người học đồng thời đảm bảo tính mềm dẻo, tạo điều kiện cho người học xây dựng kế hoạch học tập cá nhân theo tiến độ và trình tự phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân.

- Mỗi thành phần, học phần của chương trình đào tạo phải quy định mục tiêu, yêu cầu đầu vào và đầu ra, số tín chỉ và nội dung, đặc điểm chuyên môn; đóng góp rõ nét trong thực hiện mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

- Yêu cầu đối với chương trình đào tạo đại học và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7:

+ Giáo dục đại cương bắt buộc bao gồm các môn lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành;

+ Đối với các chương trình đào tạo song ngành, ngành chính - ngành phụ, chương trình đào tạo cần được cấu trúc để thể hiện rõ những thành phần chung và những phần riêng theo từng ngành;

+ Đối với chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7, yêu cầu khối lượng thực tập tối thiểu 8 tín chỉ.

- Yêu cầu đối với chương trình đào tạo thạc sĩ:

+ Định hướng nghiên cứu: khối lượng nghiên cứu khoa học từ 24 đến 30 tín chỉ, bao gồm 12 đến 15 tín chỉ cho luận văn, 12 đến 15 tín chỉ cho các đồ án, dự án, chuyên đề nghiên cứu khác;

+ Định hướng ứng dụng: thực tập từ 6 đến 9 tín chỉ; học phần tốt nghiệp từ 6 đến 9 tín chỉ dưới hình thức đề án, đồ án hoặc dự án.

- Yêu cầu đối với chương trình đào tạo tiến sĩ:

+ Tối thiểu 80% nghiên cứu khoa học và luận án tiến sĩ;

+ Tối đa 16 tín chỉ các học phần, môn học bắt buộc hoặc tự chọn đối với đầu vào trình độ thạc sĩ;

+ Tối thiểu 30 tín chỉ các học phần, môn học bắt buộc hoặc tự chọn đối với đầu vào trình độ đại học.

2.6. Phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập

- Phương pháp giảng dạy phải được thiết kế theo cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm và chủ thể của quá trình đào tạo, thúc đẩy người học phát huy chủ động và nỗ lực tham gia các hoạt động học tập; 

Định hướng hiệu quả để người học đạt được chuẩn đầu ra của mỗi học phần, mỗi thành phần và của cả chương trình đào tạo.

- Đánh giá kết quả học tập của người học phải dựa trên chuẩn đầu ra, phải làm rõ mức độ đạt được của người học theo các cấp độ tư duy quy định trong chuẩn đầu ra của mỗi học phần, mỗi thành phần và chương trình đào tạo.

- Đánh giá kết quả học tập của người học phải dựa trên đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; làm cơ sở để kịp thời điều chỉnh hoạt động giảng dạy và học tập, thúc đẩy nỗ lực và hỗ trợ tiến bộ của người học, cải tiến chương trình đào tạo và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

2.7. Đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ

- Chuẩn chương trình phải quy định những yêu cầu tối thiểu về số lượng, cơ cấu, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ để tổ chức giảng dạy và hỗ trợ người học nhằm đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

- Yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình đại học, giảng dạy chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7:

+ Giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trợ giảng có trình độ đại học trở lên;

+ Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo;

+ Có ít nhất 05 tiến sĩ có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy;

+ Có đủ số lượng giảng viên để đảm bảo tỉ lệ sinh viên trên giảng viên không vượt quá mức quy định cho từng lĩnh vực, nhóm ngành hoặc ngành đào tạo.

- Yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình thạc sĩ:

+ Giảng viên có trình độ tiến sĩ;

+ Có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo;

+ Có giảng viên cơ hữu với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy đối với từng môn học, học phần của chương trình;

+ Có đủ người hướng dẫn để đảm bảo tỷ lệ tối đa 05 học viên trên một người hướng dẫn.

- Yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình tiến sĩ:

+ Giảng viên có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư; hoặc có trình độ tiến sĩ với năng lực nghiên cứu tốt;

+ Có ít nhất 01 giáo sư (hoặc 02 phó giáo sư) ngành phù hợp và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu;

+ Có đủ người hướng dẫn để đảm bảo tỷ lệ tối đa 07 nghiên cứu sinh/giáo sư, 05 nghiên cứu sinh/phó giáo sư và 03 nghiên cứu sinh/tiến sĩ.

- Chuẩn chương trình cho các ngành, nhóm ngành quy định yêu cầu cụ thể về đội ngũ giảng viên không thấp hơn quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 10 Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT

Yêu cầu cụ thể về tỉ lệ người học trên giảng viên; yêu cầu về đội ngũ nhân lực hỗ trợ đào tạo (nếu cần thiết), phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực nhóm ngành hoặc ngành đào tạo.

2.8. Cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu

Chuẩn chương trình cho các ngành, nhóm ngành quy định những yêu cầu tối thiểu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm, công nghệ thông tin, thư viện, học liệu, hệ thống quản lý hỗ trợ học tập, quản lý đào tạo, để giúp người học đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, phù hợp với đặc điểm của từng ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực đào tạo.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 28,970

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]