Tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán của Bộ Quốc phòng
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1607/QĐ-BQP năm 2022, người làm công tác kiểm toán là người thực hiện công tác kiểm toán nội bộ thuộc Kiểm toán Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, tính thích hợp và tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ.
(Khoản 1 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1607/QĐ-BQP năm 2022)
Cụ thể tại khoản 1 Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1607/QĐ-BQP năm 2022 quy định về tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán như sau:
(i) Có bằng đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Kiểm toán Bộ Quốc phòng, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ.
(ii) Đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán hoặc thanh tra tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
(iii) Có kiến thức, hiểu biết về pháp luật và hoạt động của Bộ Quốc phòng; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ.
(iv) Đáp ứng yêu cầu phẩm chất và năng lực quy định tại Thông tư 142/2018/TT-BQP.
(v) Kiểm toán trưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại (i), (ii), (iii), (iv); có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn về quản lý tài chính, tổ chức kiểm toán và các kỹ năng liên quan khác.
Các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ bao gồm:
- Tính chính trực:
Người làm công tác kiểm toán phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm; tuân thủ pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn về kiểm toán nội bộ;
Không tham gia các hoạt động trái pháp luật và các hoạt động làm tổn hại đến uy tín nghề nghiệp, uy tín của Bộ Quốc phòng.
- Tính khách quan:
Người làm công tác kiểm toán phải đảm bảo tính khách quan trong việc thu thập, đánh giá, trao đổi thông tin về hoạt động được kiểm toán.
Người làm công tác kiểm toán đưa ra các đánh giá khách quan về tất cả các tình huống liên quan và không bị ảnh hưởng bởi lợi ích của mình hoặc người khác trong việc đưa ra đánh giá, kết luận của mình.
- Năng lực chuyên môn và tính thận trọng:
Người làm công tác kiểm toán áp dụng các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong công tác kiểm toán nội bộ; hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực chuyên môn và kỹ thuật được áp dụng.
- Tính bảo mật:
Người làm công tác kiểm toán phải tôn trọng giá trị, quyền sở hữu của thông tin được cung cấp và không tiết lộ thông tin này nếu không được phép của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của pháp luật.
- Tư cách nghề nghiệp:
Người làm công tác kiểm toán phải tuân thủ pháp luật và các quy định của Bộ Quốc phòng có liên quan, không được thực hiện các hành vi vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ.
- Kiểm toán trưởng phải có biện pháp theo dõi, đánh giá, quản lý nhằm đảm bảo người làm công tác kiểm toán tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ quy định tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BTC.
(Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1607/QĐ-BQP năm 2022)