Tài nguyên thông tin là gì? Tiêu chí lựa chọn tài nguyên thông tin để thanh lọc
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 3 Luật Thư viện 2019, tài nguyên thông tin là tập hợp các loại hình tài liệu, dữ liệu gồm tài liệu in, tài liệu viết tay, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu số, tài liệu vi dạng gồm vi phim, vi phiếu, tài liệu đặc biệt cho người khuyết tật và tài liệu, dữ liệu khác.
Cụ thể tại Điều 19 Thông tư 02/2020/TT-BVHTTDL quy định về tiêu chí về nội dung, hình thức và thời gian xuất bản như sau:
* Tiêu chí về nội dung tài nguyên thông tin
- Tài nguyên thông tin có nội dung lạc hậu, không còn giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thực tiễn;
- Tài nguyên thông tin là văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành, trừ trường hợp do thư viện chuyên ngành phục vụ hoạt động nghiên cứu pháp luật hoặc lập pháp lưu giữ;
- Tài nguyên thông tin có giá trị về nội dung nhưng không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện và nhu cầu của người sử dụng mà thư viện có trách nhiệm phục vụ.
* Tiêu chí về hình thức tài nguyên thông tin
- Sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo dùng trong các cơ sở giáo dục đã được sửa đổi, thay thế; đối với thư viện đại học, thư viện chuyên ngành, giữ lại tối thiểu 01 bản phục vụ nghiên cứu, tham khảo;
- Tài liệu số đã có phiên bản mới cập nhật, thay thế được sản xuất bằng các công nghệ cao hơn.
* Tiêu chí về thời gian xuất bản áp dụng đối với báo, tạp chí phổ thông, khoa học thường thức là 02 năm sau khi xuất bản.
Lưu ý: Các tiêu chí trên không áp dụng đối với tài liệu địa chí được lưu giữ trong các thư viện công cộng.
Đối với tiêu chí về tình trạng, tài nguyên thông tin phải đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 20 Thông tư 02/2020/TT-BVHTTDL, cụ thể như sau:
- Tài nguyên thông tin còn giá trị về nội dung nhưng đã cũ nát trong quá trình sử dụng hoặc do thiên tai, bão lũ, côn trùng xâm hại mà không thể phục chế, trừ những tài liệu là di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
- Bản ghi âm, ghi hình, ghi chữ bị hỏng, gãy, nứt trong quá trình sử dụng, chất lượng không còn bảo đảm.
- Tài nguyên thông tin bị mất trong quá trình phục vụ người sử dụng và luân chuyển, trao đổi.
Theo Điều 21 Thông tư 02/2020/TT-BVHTTDL, tiêu chí về số lượng bản đối với tài nguyên thông tin được quy định như sau:
- Thanh lọc tài nguyên thông tin thư viện có nhiều bản trên một tên được quy định như sau:
+ Đối với sách in: có trên 04 bản/01 tên sách;
+ Đối với báo, tạp chí in: có trên 02 bản/01 số báo, tạp chí.
- Tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 02/2020/TT-BVHTTDL không áp dụng đối với tài nguyên thông tin trong thư viện của cơ sở giáo dục.
Tiêu chí về ngôn ngữ đối với tài nguyên thông tin được quy định như sau:
(i) Các tài nguyên thông tin được xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số không phù hợp với đặc điểm dân cư trên địa bàn.
(ii) Các tài nguyên thông tin bằng tiếng nước ngoài không thông dụng, mà không có người sử dụng trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm đề nghị thanh lọc.
(iii) Tiêu chí quy định tại (i) và (ii) không áp dụng đối với tài nguyên thông tin được lưu giữ trong Thư viện Quốc gia Việt Nam.
(Điều 22 Thông tư 02/2020/TT-BVHTTDL)
Cụ thể tại Điều 17 Thông tư 02/2020/TT-BVHTTDL, thời hạn thanh lọc tài nguyên thông tin được quy định như sau:
- Thanh lọc tài nguyên thông tin được tiến hành định kỳ 03 năm/01 lần đối với thư viện có tài nguyên thông tin từ 300.000 đơn vị bảo quản trở xuống và 05 năm/01 lần đối với thư viện có tài nguyên thông tin từ 300.000 đơn vị bảo quản trở lên.
- Trường hợp đặc biệt, việc thanh lọc tài nguyên thông tin được tiến hành đột xuất theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý thư viện và cơ quan có thẩm quyền khác.