Tân binh đi nghĩa vụ quân sự có được về nhà không?
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, trong thời bình thì thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng và sẽ được kéo dài không quá 06 tháng trong các trường hợp sau đây:
- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Việc kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
Đặc biệt, nếu trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Như vậy theo điều kiện hiện nay, thì thời gian đi nghĩa vụ quân sự sẽ là 24 tháng, được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
(Điều 21 và khoản 1 Điều 22 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015)
Theo chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ tại Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, khi thời gian đi nghĩa vụ quân sự từ tháng mười ba trở đi sẽ được nghỉ phép theo chế độ do Bộ Quốc phòng quy định.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ mười ba trở đi thì được nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.
Trường hợp, hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ được nêu ở trên mà gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành. (Khoản 3 Điều 3 Nghị định 27/2016/NĐ-CP)
Do đó, tân binh mới nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ chưa đủ điều kiện được về nhà theo quy định hiện hành.
Nếu đã nhập ngũ từ tháng tháng mười ba trở đi sẽ được về nhà với số ngày nghỉ phép là 10 ngày, trường hợp đột xuất thì không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về).
- Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 27/2016/NĐ-CP được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp sau đây:
(i) Khi nhà ở của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/suất/lần;
(ii) Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần;
(iii) Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại (i) được thực hiện không quá 02 lần/năm đối với một hạ sĩ quan, binh sĩ; chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại (ii) được thực hiện không quá 02 lần/năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ;
(iv) Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.
- Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Đối với chế độ thăm nuôi tân binh thì hiện nay không có quy định cụ thể về thời gian được thăm gặp binh sĩ đi nghĩa vụ quân sự mà sẽ tùy vào đơn vị đóng quân. Thời gian thăm nuôi thường có thể diễn ra vào thứ 7 hoặc chủ nhật.
Về thời gian thăm gặp thì cũng tùy theo mỗi đơn vị quy định thời gian gặp khác nhau, mà không có quy định cố định một khung thời gian chung.
Do đó, nếu muốn đi thăm gặp trước hết cần liên hệ được với binh sĩ hoặc đơn vị đóng quân để biết thông tin chính xác.
(Điều 6 Nghị định 27/2016/NĐ-CP)