Điều kiện đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 158/2020/NĐ-CP, thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh (sau đây gọi tắt là thành viên giao dịch) là công ty chứng khoán được Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận trở thành thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh.
Công ty chứng khoán đăng ký làm thành viên giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 158/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Là công ty chứng khoán được thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh;
- Đáp ứng yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán về hạ tầng công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ cho giao dịch chứng khoán phái sinh;
- Có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung trong trường hợp đăng ký làm thành viên không bù trừ.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 158/2020/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch của công ty chứng khoán bao gồm:
- Giấy đăng ký thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 158/2020/NĐ-CP;
Giấy đăng ký thành viên giao dịch |
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp;
- Bản thuyết minh về hạ tầng công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Sở giao dịch chứng khoán;
- Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung trong trường hợp đăng ký làm thành viên không bù trừ.
Trong đó, hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch được lập thành 01 bộ gốc. Trường hợp tài liệu trong hồ sơ là bản sao thì phải là bản sao từ sổ gốc hoặc được chứng thực.
Hồ sơ này gửi đến Sở giao dịch chứng khoán theo hình thức trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
(Khoản 3 Điều 2 Nghị định 158/2020/NĐ-CP)
Thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện lệnh giao dịch của nhà đầu tư sau khi đã bảo đảm nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch, tài khoản ký quỹ và ký quỹ đầy đủ theo yêu cầu của thành viên bù trừ; định kỳ hoặc theo yêu cầu của nhà đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin về các hoạt động trên tài khoản giao dịch cho nhà đầu tư;
- Thành viên giao dịch bị đình chỉ hoặc hủy bỏ tư cách thành viên có nghĩa vụ thỏa thuận, xác lập thành viên giao dịch thay thế, có trách nhiệm cung cấp mọi thông tin cần thiết về nhà đầu tư cho thành viên giao dịch thay thế và tiếp tục thực hiện mọi nghĩa vụ của mình cho tới khi hoàn tất việc bàn giao quyền, nghĩa vụ cho thành viên giao dịch thay thế;
- Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 47 Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, cụ thể như sau:
+ Sử dụng hệ thống giao dịch chứng khoán và các dịch vụ do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con cung cấp;
+ Nhận các thông tin về thị trường giao dịch chứng khoán từ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con;
+ Đề nghị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam làm trung gian hòa giải khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của thành viên giao dịch;
+ Đề xuất và kiến nghị các vấn đề liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con;
+ Quyền khác theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
+ Chịu sự giám sát của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con đối với hoạt động giao dịch chứng khoán và hoạt động công bố thông tin theo quy định tại quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
+ Công bố thông tin theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
+ Hỗ trợ các thành viên giao dịch khác theo yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong trường hợp cần thiết;
+ Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
(Khoản 1 Điều 25 Nghị định 158/2020/NĐ-CP)