Ủy ban thường vụ Quốc hội là gì? Thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020) thì Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.
Thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo khoản 2 Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020) thì Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm:
- Chủ tịch Quốc hội;
- Các Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch.
Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ.
Số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định.
Ngoài ra thì nhiệm kỳ của Ủy ban thường vụ Quốc hội bắt đầu từ khi được Quốc hội bầu ra và kết thúc khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban thường vụ Quốc hội theo khoản 2 Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020).
Theo Điều 45 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm:
- Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
Chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về những vấn đề được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công;
Tham gia các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Trong trường hợp được sự ủy nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác và báo cáo kết quả làm việc với Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Việc chuẩn bị, triệu tập, chủ trì kỳ họp Quốc hội và các hội nghị khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo Điều 47 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020) như sau:
- Dự kiến chương trình kỳ họp; quyết định triệu tập kỳ họp Quốc hội.
- Chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp; xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo và các dự án khác trình Quốc hội;
Xem xét báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội; dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.
- Tổ chức và bảo đảm việc thực hiện chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị Quốc hội điều chỉnh chương trình khi cần thiết.
- Tổ chức để Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, dự thảo nghị quyết và những nội dung khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
- Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước; đề xuất các vấn đề trình Quốc hội thảo luận, ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
- Quyết định các vấn đề khác liên quan đến kỳ họp Quốc hội.