Nghỉ ngang có được rút tiền thất nghiệp, BHXH 1 lần không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
11/05/2023 09:30 AM

Xin hỏi trường hợp người lao động nghỉ ngang thì có được rút tiền thất nghiệp, BHXH 1 lần hay không? - Thiên Kim (Hà Tĩnh)

Nghỉ ngang là gì?

Căn cứ quy định tại Bộ luật lao động 2019 thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian nhất định, trừ các trường hợp không phải báo trước theo quy định.

Tùy từng trường hợp, loại hợp đồng lao động giao kết, ngành nghề công việc mà thời hạn báo trước có thể là 3 ngày hoặc tối đa lên đến 120 ngày.

Các trường hợp người lao động vi phạm quy định về thời hạn báo trước khi nghỉ việc thì được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 39 Bộ luật Lao động 2019.

Hiện hành pháp luật không có quy định liên quan đến thuật ngữ "Nghỉ ngang", tuy nhiên có thể hiểu "Nghỉ ngang" là trường hợp người lao động vi phạm quy định về thời hạn báo trước khi nghỉ việc .

Nghỉ ngang có được rút tiền thất nghiệp, BHXH 1 lần không?

Nghỉ ngang có được rút tiền thất nghiệp, BHXH 1 lần không? (Hình từ internet)

Nghỉ ngang có được rút tiền thất nghiệp không?

Theo Điều 49 Luật Việc làm 2013, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

-  Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Chết.

Căn cứ các phân tích nêu trên, thì trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước hoặc báo trước không đúng thời hạn theo quy định tại Bộ luật lao động 2019 thì được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Do đó, trường hợp người lao động nghỉ ngang thì không đáp ứng điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định nêu trên. Đồng nghĩa, người lao động nghỉ ngang thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nghỉ ngang có được rút BHXH 1 lần không?

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 thì người lao động đóng BHXH bắt buộc mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

- Người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu:

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

Như vậy: Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được rút BHXH 1 lần khi có yêu cầu, không phân biệt nghỉ việc đúng pháp luật hay trái pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,783

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]