Có bao nhiêu phiên họp tại một kỳ họp Quốc hội? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Theo thường lệ, Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Tuy nhiên, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
(Khoản 1, 2 Điều 1 Nội quy Kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15)
Theo khoản 1 Điều 13 Nội quy Kỳ họp Quốc hội, các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội bao gồm:
(1) Phiên họp toàn thể của Quốc hội;
(2) Phiên họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về nội dung thuộc chương trình kỳ họp Quốc hội;
(3) Phiên họp do Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về nội dung trong chương trình kỳ họp Quốc hội thuộc lĩnh vực phụ trách;
(4) Phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung trong chương trình kỳ họp Quốc hội;
(5) Phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung trong chương trình kỳ họp Quốc hội.
Các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành công khai, trừ trường hợp được quyết định họp kín. Do đó sẽ có thêm Phiên họp kín của Quốc hội. (Khoản 3 Điều 13 Nội quy Kỳ họp Quốc hội)
Như vậy, nếu theo hình thức công khai thì một kỳ họp Quốc hội sẽ có 05 phiên họp, trường hợp được quyết định họp kín thì sẽ có thể là 06 phiên họp.
Phiên họp toàn thể của Quốc hội được quy định như sau:
- Phiên họp toàn thể của Quốc hội gồm phiên trù bị, phiên khai mạc, phiên bế mạc, nghe thuyết trình về dự án, dự thảo, trình bày báo cáo, các phiên thảo luận, chất vấn và biểu quyết thông qua.
- Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa trước chủ tọa các phiên họp toàn thể của Quốc hội cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới.
- Quốc hội họp trù bị trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội để xem xét, thông qua chương trình kỳ họp Quốc hội và tiến hành một số nội dung khác.
- Đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuyết trình về dự án, dự thảo, trình bày báo cáo không quá 15 phút, trừ trường hợp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội.
- Trường hợp người đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo, báo cáo không thể thuyết trình về dự án, dự thảo, trình bày báo cáo trước Quốc hội thì những chủ thể sau được phân công thuyết trình,trình bày văn bản:
+ Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;
+ Cấp phó của người đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo, báo cáo theo sự phân công của cấp trưởng;
+ Thành viên Ban soạn thảo dự án, dự thảo thuyết trình về dự án, dự thảo do đại biểu Quốc hội trình theo sự phân công của đại biểu Quốc hội.
- Vị trí ngồi của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội bố trí.
(Điều 17 Nội quy Kỳ họp Quốc hội)
Cụ thể tại Điều 21 Nội quy Kỳ họp Quốc hội quy định về phiên họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức như sau:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp để thảo luận, xem xét nội dung thuộc chương trình kỳ họp Quốc hội.
- Đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được mời tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Việc tổ chức phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện theo Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Điều 22 Nội quy Kỳ họp Quốc hội, phiên họp do Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức được thực hiện như sau:
- Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp để thảo luận, xem xét nội dung thuộc chương trình kỳ họp Quốc hội.
Trường hợp phiên họp được tổ chức không trùng thời gian làm việc theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội quyết định thì Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thông báo với Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội;
Trường hợp phiên họp tổ chức trùng thời gian với các phiên họp đã được Quốc hội quyết định trong chương trình kỳ họp thì báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.
- Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền đăng ký hoặc được mời tham dự phiên họp.
Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm thông báo về việc tổ chức phiên họp để đại biểu Quốc hội biết và đăng ký tham dự phiên họp.
- Việc tổ chức phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được thực hiện theo Quy chế làm việc của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nội quy Kỳ họp Quốc hội, cụ thể như sau:
- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chủ tọa phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội. Trường hợp Trưởng Đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng Đoàn được phân công chủ tọa phiên họp.
- Thư ký phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tọa phiên họp quyết định.
- Trình tự phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội được tiến hành như sau:
+ Chủ tọa nêu nội dung đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận;
+ Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến;
+ Chủ tọa phát biểu kết thúc phiên họp.
Phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội được quy định như sau:
- Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Tổ đại biểu Quốc hội, chỉ định Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội.
- Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội chủ tọa phiên họp Tổ. Trường hợp Tổ trưởng vắng mặt thì Phó Tổ trưởng được phân công chủ tọa phiên họp.
- Tổng Thư ký Quốc hội phân công thư ký phiên họp Tổđại biểu Quốc hội.
- Trình tự phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội được tiến hành như sau:
+ Chủ tọa nêu nội dung đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận;
+ Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến;
+ Chủ tọa phát biểu kết thúc phiên họp.
(Điều 24 Nội quy Kỳ họp Quốc hội)
Cụ thể tại Điều 25 Nội quy Kỳ họp Quốc hội quy định về Phiên họp kín của Quốc hội như sau:
- Trường hợp cần thiết,theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín và ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định họp kín theo trình tự sau đây:
+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về đề nghị Quốc hội họp kín;
+ Quốc hội thảo luận, biểu quyết về việc họp kín.
- Thành phần được mời dự; việc ghi âm, ghi biên bản phiên họp kín của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội.
Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định nội dung tại phiên họp kín được thực hiện theo quy định về các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội.