Quốc hội là cơ quan gì? Quốc hội làm việc theo chế độ nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
15/05/2023 16:04 PM

Xin hỏi Quốc hội là cơ quan gì, làm việc theo chế độ nào và thực hiện biểu quyết thông qua các hình thức nào tại phiên họp toàn thể? - Thành Nhân (Tiền Giang)

Quốc hội là cơ quan gì?

Căn cứ Điều 1 và Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.

Quốc hội là cơ quan gì? Quốc hội làm việc theo chế độ nào?
Quốc hội là cơ quan gì? Quốc hội làm việc theo chế độ nào? (Hình từ internet)

Quốc hội làm việc theo chế độ nào?

Căn cứ Điều 3 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác.

Quốc hội biểu quyết thông qua các hình thức nào tại phiên họp toàn thể của Quốc hội?

Căn cứ quy định tại Điều 20 Nghị quyết 71/2022/QH15 thì dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau cần biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu chậm nhất là 24 giờ trước phiên biểu quyết thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần trình Quốc hội biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, dự thảo nghị quyết theo đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra.

Quốc hội quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây:

- Biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử;

- Biểu quyết bằng bỏ phiếu kín;

- Biểu quyết bằng giơ tay.

Hình thức biểu quyết do Quốc hội quyết định được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội.

Trình tự biểu quyết tại phiên họp toàn thể được tiến hành như sau:

- Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp nêu rõ vấn đề Quốc hội cần biểu quyết;

- Quốc hội biểu quyết;

- Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp báo cáo kết quả biểu quyết trong trường hợp biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay. Trưởng Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả biểu quyết trong trường hợp biểu quyết bằng bỏ phiếu kín.

Việc tiến hành biểu quyết được thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp, đại biểu Quốc hội không biểu quyết thay đại biểu Quốc hội khác. Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.

Luật, nghị quyết và các quyết định khác của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;trường hợp làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, thông qua Hiến pháp, quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.Trường hợp Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác về tỷ lệ đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì áp dụng quy định của văn bản đó.

Trường hợp cần biểu quyết lại một vấn đề đã được Quốc hội biểu quyết thông qua nhưng chưa có hiệu lực thi hành thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo, báo cáo, cơ quan chủ trì thẩm tra trình Quốc hội xem xét, quyết định việc biểu quyết lại theo trình tự như sau:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội việc biểu quyết lại;

- Quốc hội xem xét, thông qua việc biểu quyết lại.

Trình tự Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề đã được Quốc hội quyết định biểu quyết lại như sau:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội vấn đề cần biểu quyết lại;

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua vấn đề cần biểu quyết lại.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,309

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]