Các trường hợp được bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
20/05/2023 16:30 PM

Cho tôi hỏi các trường hợp nào thì được bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng? - Thùy Nguyên (Long An)

Các trường hợp được bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Các trường hợp được bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp được bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Các trường hợp được bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo Điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP như sau:

- Khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

- Trường hợp được Nhà nước bồi thường bao gồm:

+ Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật;

+ Người được tiêm chủng bị tử vong.

2. Hồ sơ, thủ tục xác định trường hợp được bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Hồ sơ, thủ tục xác định trường hợp được bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo Điều 17 Nghị định 104/2016/NĐ-CP như sau:

- Cơ sở y tế nơi xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan nhằm phục vụ cho Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh xác định các trường hợp được bồi thường.

- Trường hợp người được tiêm chủng hoặc thân nhân của người được tiêm chủng cho rằng mình hoặc thân nhân của mình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì phải chuẩn bị và gửi cho Sở Y tế hồ sơ bao gồm các tài liệu, giấy tờ sau:

+ Đơn yêu cầu xác định nguyên nhân gây tai biến và mức độ tổn thương;

+ Phiếu, sổ xác nhận tiêm chủng loại vắc xin có liên quan;

+ Giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vận chuyển bệnh nhân (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

+ Giấy chứng tử (trong trường hợp bị tử vong);

+ Các giấy tờ khác có liên quan chứng minh tai biến hoặc thiệt hại khác (nếu có).

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì Sở Y tế phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại (sau đây gọi tắt là người bị thiệt hại). 

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì Sở Y tế có văn bản hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người bị thiệt hại, Sở Y tế phải hoàn thành việc xác định nguyên nhân gây tai biến, mức độ tổn thương và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu đồng thời báo cáo Bộ Y tế.

3. Thủ tục bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Thủ tục bồi thường khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo Điều 18 Nghị định 104/2016/NĐ-CP như sau:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh (thời điểm tiếp nhận được tính theo dấu tiếp nhận công văn đến của Sở Y tế), Sở Y tế ra quyết định giải quyết bồi thường đối với các trường hợp được Nhà nước bồi thường theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

- Quyết định giải quyết bồi thường phải có các nội dung chính sau:

+ Tên, địa chỉ của người được bồi thường;

+ Tóm tắt lý do bồi thường;

+ Mức bồi thường;

+ Hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường.

- Quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho người bị thiệt hại, người có lỗi hoặc cơ quan tổ chức có lỗi gây thiệt hại (nếu có).

- Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện ra tòa án.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,394

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]