Điều kiện đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 84/2014/TT-BGTVT thì cầu đường bộ là một công trình vượt chướng ngại vật, có khẩu độ không dưới 6m tạo thành một phần của con đường.
Theo Điều 4 Thông tư 84/2014/TT-BGTVT thì trên cầu đường bộ, việc tổ chức giao thông tuân theo quy tắc giao thông đường bộ được quy định tại Chương II Luật Giao thông đường bộ 2008 và nguyên tắc sau đây:
- Phương tiện tham gia giao thông trên cầu đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định; tuân thủ chỉ dẫn của người điều khiển giao thông và quy định của biển báo hiệu đường bộ đặt trước cầu.
Trường hợp không có biển báo hiệu, phải tuân theo quy định tại Thông tư 84/2014/TT-BGTVT và các quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về hạn chế trọng lượng xe, khổ giới hạn được phép tham gia giao thông trên đường bộ, tốc độ và khoảng cách an toàn giữa các phương tiện.
- Không được phép dừng, đỗ, quay đầu xe (trừ phương tiện, thiết bị của đơn vị quản lý, bảo trì cầu). Trường hợp phương tiện bị hư hỏng đột xuất, người điều khiển phải khẩn trương đưa phương tiện ra khỏi phạm vi cầu hoặc đưa vào vị trí được phép dừng, đỗ.
- Xe thô sơ, người đi bộ, súc vật có người dắt phải đi trên phần đường quy định trên cầu.
Điều kiện đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ theo Điều 7 Thông tư 84/2014/TT-BGTVT như sau:
(1) Cầu không đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe:
- Cầu được thiết kế theo tải trọng tiêu chuẩn tiên tiến (H30-XB80, HL93 hoặc tương đương trở lên), thi công đúng thiết kế, chất lượng tốt, không bị hư hỏng.
- Cầu đang khai thác được tính toán hoặc kiểm định đáp ứng được khả năng chịu tải tương đương với tải trọng tiêu chuẩn tiên tiến nêu tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 84/2014/TT-BGTVT.
(2) Cầu phải đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe:
- Cầu không đảm bảo điều kiện quy định tại (1) mục này phải đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu.
- Trị số ghi trên biển báo hiệu là kết quả tính toán hoặc kiểm định cầu, làm tròn số đến đơn vị tấn, được quyết định bởi cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 84/2014/TT-BGTVT.
(3) Đồng bộ về tải trọng cầu, đường trên mạng lưới đường bộ:
- Khi đầu tư xây dựng cầu mới, phải thiết kế theo tải trọng tiêu chuẩn quy định tại Tiêu chuẩn 22TCN 272-05 (hoặc tải trọng tương đương).
- Khi sửa chữa cải tạo, nâng cấp cầu, phải thiết kế theo hướng nâng cao tải trọng khai thác của cầu hoặc kết hợp điều tiết, tổ chức giao thông để bỏ biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu khi điều kiện cho phép (quy định tốc độ tối đa qua cầu;
Điều tiết xe qua cầu từng chiếc hoặc bảo đảm cự ly tối thiểu giữa các xe; xe đi đúng tim cầu; không dừng đỗ, phanh gấp trên cầu).
- Đối với cầu có tải trọng khai thác thấp (chỉ cho phép xe có tổng trọng lượng nhỏ hơn 13 tấn qua cầu): trên hệ thống quốc lộ phải xây dựng cầu mới để thay thế kịp thời; trên các hệ thống đường bộ khác phải có kế hoạch xây dựng cầu mới phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.