Thẩm tra viên là ai? Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
24/05/2023 08:00 AM

Thẩm tra viên là ai? Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên được quy định như thế nào? - Quốc Hùng (TPHCM)

Thẩm tra viên là ai? Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên

Thẩm tra viên là ai? Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thẩm tra viên là ai? 

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 66 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì Thẩm tra viên là công chức, có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án trong quân đội thực hiện nhiệm vụ thẩm tra thi hành án và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Thẩm tra viên trong quân đội là sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên theo Điều 67 Nghị định 62/2015/NĐ-CP như sau:

- Thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự; thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự.

- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết theo nhiệm vụ được phân công.

- Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao.

3. Trách nhiệm của Thẩm tra viên

Theo Điều 68 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Thẩm tra viên như sau:

- Thẩm tra viên phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, giữ vững tiêu chuẩn Thẩm tra viên.

- Khi tiến hành thẩm tra, kiểm tra, Thẩm tra viên phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng cơ quan về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Thẩm tra viên không được làm những việc sau đây:

+ Việc mà pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật liên quan khác quy định không được làm;

+ Thông đồng với đối tượng thẩm tra và những người có liên quan trong việc thẩm tra, kiểm tra làm sai lệch kết quả thẩm tra, kiểm tra;

+ Thẩm tra, kiểm tra khi không có quyết định phân công của người có thẩm quyền;

+ Can thiệp trái pháp luật vào việc thẩm tra, kiểm tra hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình để tác động đến người có trách nhiệm khi có người đó thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thẩm tra, kiểm tra để thực hiện hành vi trái pháp luật; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thẩm tra, kiểm tra; bao che cho đối tượng thẩm tra, kiểm tra và những người liên quan;

+ Tiết lộ, cung cấp thông tin, tài liệu thẩm tra, kiểm tra cho những người không có trách nhiệm khi chưa có kết luận.

- Thẩm tra viên không được tham gia thẩm tra, kiểm tra trong trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của những người sau đây:

+ Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thẩm tra viên, của vợ hoặc chồng của Thẩm tra viên;

+ Cháu ruột mà Thẩm tra viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

4. Quy định về bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch Thẩm tra viên

Quy định về bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch Thẩm tra viên theo Điều 69 Nghị định 62/2015/NĐ-CP như sau:

- Việc bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch Thẩm tra viên; nội dung, hình thức thi nâng ngạch từ Thẩm tra viên thi hành án lên Thẩm tra viên chính thi hành án, từ Thẩm tra viên chính thi hành án lên Thẩm tra viên cao cấp thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về thi hành án dân sự.

- Bộ Quốc phòng tổ chức Hội đồng xét, duyệt những người đủ điều kiện, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thẩm tra viên trong quân đội. 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,713

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]