Điều kiện miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm:
(1) Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
(2) Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(3) Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(4) Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(5) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.
(6) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.
(7) Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
(8) Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
(9) Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.
(10) Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
(11) Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
(Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018)
- Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 bị cấm được miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
+ Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;
+ Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế;
+ Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;
+ Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.
- Thỏa thuận lao động, thỏa thuận hợp tác trong các ngành, lĩnh vực đặc thù được thực hiện theo quy định của luật khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.
(Điều 14 Luật Cạnh tranh 2018)
Doanh nghiệp dự định tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Hồ sơ đề nghị miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm bao gồm:
- Đơn theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;
- Dự thảo nội dung thỏa thuận giữa các bên;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; bản sao Điều lệ của hiệp hội ngành, nghề đối với trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có sự tham gia của hiệp hội ngành, nghề;
- Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;
- Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Cạnh tranh 2018 kèm theo chứng cứ để chứng minh;
- Văn bản ủy quyền của các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm cho bên đại diện (nếu có).
Doanh nghiệp nộp hồ sơ chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ. Tài liệu trong hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt.
(Điều 15 Luật Cạnh tranh 2018)