Yêu cầu với các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 15 Nghị định 43/2015/NĐ-CP quy định yêu cầu với các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước như sau:
- Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
+ Không được gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa;
+ Không làm ảnh hưởng đến các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước;
+ Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước khi thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước sau đây:
+ Xây dựng kho bãi, bến, cảng, cầu, đường giao thông, các công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác;
+ San, lấp, kè bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, trừ trường hợp xây dựng công trình cấp bách phục vụ phòng, chống, khắc phục thiên tai;
+ Khoan, đào phục vụ hoạt động điều tra, khảo sát địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ;
+ Khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.
Cụ thể tại Điều 14 Nghị định 43/2015/NĐ-CP quy định về kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước như sau:
- Kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi do chủ hồ hoặc tổ chức quản lý hồ chứa đảm bảo.
- Kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác do ngân sách nhà nước đảm bảo, bao gồm ngân sách địa phương, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và được bổ sung từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
- Đối với các địa phương có cân đối ngân sách về Trung ương thì ngân sách địa phương tự cân đối thực hiện.
- Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, tổng hợp kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước do các địa phương đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách.
Tại Điều 7 Nghị định 43/2015/NĐ-CP quy định căn cứ xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước như sau:
- Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước.
- Đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn, môi trường, sinh thái; diễn biến lòng dẫn, bờ sông, suối, kênh, rạch.
- Hiện trạng sử dụng đất, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực ven nguồn nước.
- Các quy định cụ thể về phạm vi tối thiểu của hành lang bảo vệ nguồn nước tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Nghị định 43/2015/NĐ-CP.
Hồ Quốc Tuấn