Theo đó, mục đích thực hiện công tác thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhằm:
- Cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai thực hiện công tác thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Phân công trách nhiệm với các bộ, ngành và địa phương (thông qua thành viên hội đồng thẩm định) trong quá trình thẩm định quy hoạch.
Thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 có 07 trách nhiệm cụ thể sau:
- Nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, chuẩn bị ý kiến góp ý bằng văn bản tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định;
- Thẩm định các nội dung của quy hoạch theo quy định Điều 32 Luật Quy hoạch, trong đó nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các nội dung liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, đơn vị được cử đại diện và tham gia ý kiến đối với các vấn đề liên quan khác của quy hoạch nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của Quy hoạch;
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thẩm định và Thủ trưởng cơ quan về nội dung công việc được Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ý kiến tham gia đối với Quy hoạch;
- Phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch rà soát các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định trong hồ sơ, tài liệu quy hoạch trước khi hồ sơ, tài liệu quy hoạch được đóng dấu xác nhận;
- Thành viên phản biện nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Hội đồng thẩm định toàn bộ nội dung quy hoạch; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo Điều 35 Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ;
- Tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng thẩm định khi được triệu tập;
- Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại mục 2 bản Kế hoạch này và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao.
Xem chi tiết tại Quyết định 36/QĐ-HĐTĐQH có hiệu lực từ ngày 24/5/2023.