Căn cứ quy định tại Quy định 59-QĐ/TW năm 2016 thì Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở. Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được lập tương ứng với hệ thống tổ chức của Quân đội, cụ thể như sau:
Toàn quân có Quân ủy Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định, gồm một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương công tác trong Quân đội và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương công tác ngoài Quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương có số lượng từ 7 đến 9 đồng chí. Đồng chí Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương. Sau Đại hội toàn quốc của Đảng, căn cứ vào Điều lệ Đảng và sự phân công công tác của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ trước chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Bộ Chính trị chỉ định Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ mới. Nhiệm kỳ của Quân ủy Trung ương được tính từ khi Bộ Chính trị chỉ định và kết thúc khi Bộ Chính trị có quyết định chỉ định Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ mới.
Các cấp ủy đảng (từ cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương đến chi bộ) ở cấp nào do đại hội đảng bộ (chi bộ) cấp đó bầu. Hội nghị đảng ủy bầu ban thường vụ có số lượng ủy viên không quá một phần ba tổng số cấp ủy viên cùng cấp, bầu bí thư, phó bí thư trong số ủy viên ban thường vụ; bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số ủy viên ủy ban kiểm tra. Cấp ủy cấp trên trực tiếp, nơi có ban thường vụ thì ban thường vụ chuẩn y ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy; các thành viên, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp dưới; trường hợp đặc biệt do cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định.
Hệ thống tổ chức đảng các cấp trong Quân đội nhân dân (Hình từ internet)
Hệ thống tổ chức đảng các cấp trong Quân đội nhân dân được quy định cụ thể như sau:
- Ở quân khu lập đảng bộ quân khu; đảng ủy quân khu là cấp ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương, gồm các đồng chí ủy viên công tác trong đảng bộ quân khu do đại hội cùng cấp bầu có số lượng từ 15 đến 21 ủy viên và các đồng chí là bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh ủy) trên địa bàn quân khu được Bộ Chính trị chỉ định tham gia. Trường hợp thật cần thiết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có thể chỉ định một số đồng chí khác có cơ cấu thích hợp tham gia đảng ủy quân khu. Ban thường vụ đảng ủy quân khu có từ 5 đến 7 ủy viên công tác trong đảng bộ quân khu.
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì kịp thời phối hợp với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định đồng chí bí thư tỉnh ủy trên địa bàn và các đồng chí khác có cơ cấu thích hợp tham gia đảng ủy quân khu. Việc chỉ định tham gia đảng ủy quân khu được thể hiện trong quyết định chuẩn y kết quả bầu cử; quyết định điều động, phân công công tác hoặc có quyết định chỉ định riêng. Các đồng chí, bí thư tỉnh ủy và các đồng chí khác được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định tham gia đảng, ủy quân khu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy viên (trừ quyền ứng cử); thực hiện chế độ sinh hoạt theo quy chế làm việc của đảng ủy quân khu; tham gia đảng ủy quân khu từ khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định và kết thúc khi thôi giữ chức vụ tương ứng.
- Ở quân chủng, Bộ đội Biên phòng, quân đoàn, Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, Cơ quan Tổng cục Chính trị, các tổng cục, Ban Cơ yếu Chính phủ, Cảnh sát biển Việt Nam và tương đương lập đảng bộ. Đảng ủy các tổ chức đảng nói trên là cấp ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương, có số lượng từ 15 đến 21 ủy viên.
Ở binh chủng, binh đoàn, học viện, trường sĩ quan, bệnh viện, viện nghiên cứu, tổng công ty, tập đoàn kinh tế và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng lập đảng bộ. Đảng ủy các tổ chức đảng nói trên là cấp ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương, có số lượng từ 9 đến 17 ủy viên.
- Ở sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển, cấp cục có đơn vị trực thuộc đủ điều kiện lập đảng bộ cơ sở; học viện, trường sĩ quan, trường đại học, trường quân sự và tương đương trực thuộc quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, các tổng cục, quân đoàn, binh chủng và tương đương lập đảng bộ. Đảng ủy các tổ chức đảng nói trên là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, có số lượng từ 9 đến 15 ủy viên.
- Ở lữ đoàn, trung đoàn và tương đương; ở tiểu đoàn, hải đoàn, hải đội trực thuộc sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương; ở các hệ, tiểu đoàn quản lý học viên; các phòng, khoa thuộc các học viên, trường sĩ quan, trường đại học, trường quân sự trực thuộc quân khu, quân đoàn, binh chủng, bệnh viện trực thuộc Bộ; Học viên Kỹ thuật Mật mã, trường hạ sĩ quan, trường trung cấp, trường dạy nghề, bệnh viện thuộc quân khu, quân chủng, tổng cục, Ban Cơ yếu Chính phụ; cấp cục, phòng, ban thuộc Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, Cơ quan Tổng cục Chính trị, các tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng, binh đoàn; cấp phòng thuộc sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển và tương đương lập tổ chức cơ sở đảng. Đảng ủy, chi ủy các tổ chức cơ sở đảng nói trên là cấp ủy cơ sở. Đảng ủy cơ sở có số lượng từ 5 đến 15 ủy viên. Những đảng ủy có 9 ủy viên trở lên bầu ban thường vụ; bầu bí thư, phó bí thư trong số ủy viên thường vụ. Đảng ủy cơ sở dưới 9 ủy viên bầu bí thư, phó bí thư.
- Ở tiểu đoàn trực thuộc lữ đoàn, trung đoàn và tương đương lập đảng bộ bộ phận. Đảng ủy bộ phận có số lượng từ 5 đến 7 ủy viên.
- Ở đại đội và tương đương lập chi bộ. Chi bộ có từ 9 đảng viên chính thức trở lên bầu chi ủy, có số lượng từ 3 đến 5 ủy viên. Chi bộ có đông đảng viên bầu chi ủy không quá 7 ủy viên. Chi bộ dưới 9 đảng viên bầu bí thư, nếu cần bầu một phó bí thư.
- Ở cơ quan quân sự và đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập đảng bộ quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của tỉnh ủy, đồng thời chấp hành nghị quyết của đảng ủy quân sự cấp trên về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương. Đảng ủy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là đảng ủy quân sự tỉnh) trực thuộc tỉnh ủy, là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, gồm các đồng chí ủy viên công tác trong đảng bộ quân sự tỉnh do đại hội cùng cấp bầu có số lượng từ 11 đến 15 ủy viên (riêng Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đảng ủy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng từ 13 đến 17 ủy viên) và các đồng chí bí thư tỉnh ủy và phó bí thư là chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được ban thường vụ tỉnh ủy chỉ định tham gia. Đồng chí bí thư tỉnh ủy trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự tỉnh.
Các đồng chí được ban thường vụ tỉnh ủy chỉ định tham gia đảng ủy quân sự tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của, cấp ủy viên (trừ quyền ứng cử); thực hiện chế độ sinh hoạt theo quy chế làm việc của đảng ủy quân sự tỉnh; tham gia đảng ủy quân sự tỉnh từ khi được ban thường vụ tỉnh ủy chỉ định và kết thúc khi thôi giữ chức vụ bí thư tỉnh ủy và chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Ở cơ quan quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau, đây gọi chung là cơ quan quân sự huyện) lập đảng bộ cơ sở. Đảng ủy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là đảng ủy quân sự huyện) trực thuộc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện ủy) gồm các đồng chí ủy viên công tác trong đảng bộ quân sự huyện do đại hội cùng cấp bầu và các đồng chí bí thư huyện ủy và phó bí thư là chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện được ban thường vụ huyện ủy chỉ định tham gia, có số lượng từ 5 đến 7 ủy viên (riêng huyện có tiểu đoàn bộ đội địa phương đủ quân thì đảng ủy quân sự huyện có số lượng từ 7 đến 9 ủy viên). Đồng chí bí thư huyện ủy trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự huyện.
Các đồng chí được ban thường vụ huyện ủy chỉ định tham gia đảng ủy quân sự huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy viên (trừ quyền ứng cử); thực hiện chế độ sinh hoạt theo quy chế làm việc của đảng ủy quân sự huyện; tham gia đảng ủy quân sự huyện từ khi được chỉ định và kết thúc khi thôi giữ chức vụ bí thư huyện ủy và chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
- Ở cơ quan, đơn vị thuộc bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là bộ đội biên phòng tỉnh) lập đảng bộ bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của tỉnh ủy, đồng thời chấp hành nghị quyết của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về tổ chức xây dựng lực lượng và công tác biên phòng.
Đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh trực thuộc tỉnh ủy là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, có số lượng từ 11 đến 17 ủy viên.
Các tỉnh ủy phân công đồng chí phó bí thư là chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh.
Đồng chí phó bí thư là chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm trước tỉnh ủy về hoạt động của đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh; trực tiếp dự các hội nghị của đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh để chỉ đạo đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện các chủ trương của tỉnh ủy về những vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng ở địa phương và xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí phó bí thư là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách trước khi báo cáo tỉnh ủy.
- Ở các đồn biên phòng và tương đương lập tổ chức cơ sở đảng, số lượng ủy viên ban chấp hành thực hiện như quy định đối với cấp ủy cơ sở trong Đảng bộ Quân đội.
- Tổ chức đảng ở cơ quan quân sự xã: Ở những nơi đã có chi bộ quân sự xã thì tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Những địa phương chưa có, khi có đủ điều kiện thì lập chi bộ quân sự xã. Đồng chí bí thư đảng ủy xã trực tiếp làm bí thư chi bộ quân sự.
- Cơ quan chính trị cấp trên, phối hợp với cấp ủy địa phương chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Phối hợp với các ban của cấp ủy địa phương hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các mặt công tác trên.
Khi có yêu cầu, nhiệm vụ phải tổ chức lực lượng lâm thời và đủ điều kiện như quy định của Điều lệ Đảng thì cấp ủy cấp trên ra quyết định thành lập tổ chức đảng sinh hoạt tạm thời và chỉ định cấp ủy, bí thư, phó bí thư để lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định giải thể tổ chức đảng sinh hoạt tạm thời đó và báo cáo cấp ủy cấp trên.