Mức phạt hành vi phá hoại công trình bảo vệ môi trường (Hình từ internet)
Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về công trình bảo vệ môi trường và vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư sau khi được cấp giấy phép môi trường thì công trình bảo vệ môi trường của dự án đầu tư bao gồm:
- Công trình xử lý chất thải là công trình, thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại;
- Công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn là công trình, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn thông thường, chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại để đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển chất thải rắn đến địa điểm xử lý hoặc tái sử dụng, tái chế;
- Công trình bảo vệ môi trường khác.
Theo quy định tại Khoản 8, Khoản 13 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường có bao gồm:
- Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
Căn cứ Điều 44 Nghị định 45/2022/NĐ-CP về vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Gây cản trở việc khai thác, sử dụng các công trình bảo vệ môi trường;
+ Trồng cây làm ảnh hưởng đến hành lang an toàn kỹ thuật của công trình bảo vệ môi trường.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dịch chuyển trái phép các thiết bị, máy móc quan trắc môi trường.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến hành lang an toàn kỹ thuật của công trình bảo vệ môi trường.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
Ngoài ra theo Khoản 5 Điều 44 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điều 44 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.
Như vậy, mức phạt vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường có thể lên đến 100.000.000 đồng với cá nhân và 200.000.000 đồng với tổ chức.
Bên cạnh đó, người phá hoại công trình bảo vệ môi trường tại Khoản 5 Điều 44 Nghị định 45/2022/NĐ-CP tổ chức, cá nhân vi phạm buộc phải thực hiện biện pháp khắc phụ hậu quả theo quy định.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 45/2022/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm.
- Các hành vi vi phạm đang thực hiện, các hành vi vi phạm đã kết thúc, thời Điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
+ Các hành vi được quy định tại Điều 9; Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 1, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 2, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 3 Điều 11; Điểm b, Điểm c Khoản 1, Điểm b, c Khoản 2 Điều 13; Điểm b, Điểm d, Điểm e Khoản 1, Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 2, Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 3, Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 4 Điều 14; Khoản 2, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 3, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm i Khoản 4, Khoản 6 Điều 15 và Điều 38 Nghị định 45/2022/NĐ-CP là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
+ Các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 10; Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều 11; Khoản 1 Điều 32; Khoản 1 Điều 33; Khoản 1, Điểm c Khoản 3 Điều 43 Nghị định 45/2022/NĐ-CP này là hành vi đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phải công khai thông tin hoặc phải nộp báo cáo định kỳ theo quy định;
+ Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định 45/2022/NĐ-CP là hành vi đã kết thúc, thì thời hiệu được tính từ thời điểm lấy mẫu;
+ Các hành vi vi phạm tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định này là hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm kết thúc được tính từ lúc thực hiện xong hành vi vi phạm;
+ Trừ các hành vi được quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c và Điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, các hành vi khác được quy định trong Nghị định này được người có thẩm quyền xử phạt xác định thời hiệu xử phạt theo Điểm b Khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020.
Nguyễn Phạm Nhựt Tân