Quy định xử lý liên đới trách nhiệm vi phạm điều lệnh Công an

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
08/07/2023 10:27 AM

Xin hỏi việc xử lý liên đới trách nhiệm vi phạm điều lệnh Công an nhân dân được quy định như thế nào? - Văn Sang - (Phú Thọ)

Quy định xử lý liên đới trách nhiệm vi phạm điều lệnh Công an nhân dân

Việc xử lý liên đới trách nhiệm vi phạm điều lệnh Công an nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư 02/2021/TT-BCA, cụ thể như sau:

- Đối với đơn vị vi phạm điều lệnh:

+ Trường hợp đơn vị vi phạm bị xử lý bằng hình thức hạ bậc danh hiệu thi đua, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức phê bình; trường hợp đơn vị vi phạm nhiều lần, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức hạ một bậc danh hiệu thi đua năm;

+ Trường hợp đơn vị vi phạm bị xử lý bằng hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua năm, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức hạ một bậc danh hiệu thi đua năm; trường hợp đơn vị vi phạm nhiều lần, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua năm.

- Đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh:

+ Trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm bị xử lý bằng hình thức hạ một bậc danh hiệu thi đua năm, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức phê bình;

+ Trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm bị xử lý bằng hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua năm đến xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức hạ một bậc danh hiệu thi đua năm;

+ Trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm bị xử lý kỷ luật từ hình thức Khiển trách đến Tước danh hiệu Công an nhân dân, thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp bị xử lý bằng hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua năm. Trường hợp lãnh đạo, chỉ huy có liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ bị xử lý kỷ luật, thực hiện theo quy định của Bộ Công an về kỷ luật cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân.

- Thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp chịu trách nhiệm liên đới nếu để đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh hoặc để quá thời hạn xử lý vi phạm điều lệnh. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm nhiều lần mà trước đó thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp đã nhắc nhở, chấn chỉnh bằng văn bản hoặc nhắc nhở, chấn chỉnh trong cuộc họp, giao ban của đơn vị (nội dung chấn chỉnh, nhắc nhở được ghi trong biên bản họp, giao ban của đơn vị), đồng thời có văn bản báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp thì thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách trực tiếp không phải chịu trách nhiệm liên đới.

Quy định xử lý liên đới trách nhiệm vi phạm điều lệnh Công an

Quy định xử lý liên đới trách nhiệm vi phạm điều lệnh Công an (Hình từ internet)

Trình tự xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân

Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2021/TT-BCA thì việc xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân được thực hiện theo trình tự sau đây:

(1) Đối với đơn vị vi phạm điều lệnh:

Đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp yêu cầu đơn vị vi phạm kiểm điểm, báo cáo về hành vi vi phạm và tự nhận hình thức xử lý; tổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi vi phạm, nếu vi phạm đã rõ thì không cần xác minh;

Căn cứ nội dung vi phạm để tổ chức họp xét cho phù hợp: Nếu xử lý bằng hình thức phê bình thì tổ chức họp đơn vị hoặc cán bộ chủ chốt (thành phần do thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp quyết định), sau đó ra thông báo bằng văn bản; nếu xử lý bằng hình thức hạ bậc danh hiệu thi đua trong năm hoặc không xét tặng danh hiệu thi đua trong năm thì tổ chức họp Hội đồng thi đua, khen thưởng cấp trên trực tiếp (nếu không tổ chức họp thì xin ý kiến bằng văn bản);

Sau khi xử lý, báo cáo bằng văn bản về cơ quan điều lệnh cấp trên trực tiếp hoặc đơn vị ra thông báo.

(2) Đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh:

Lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quản lý yêu cầu cán bộ, chiến sĩ vi phạm viết bản tự kiểm điểm về hành vi vi phạm và tự nhận hình thức xử lý vi phạm; tổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ; nếu vi phạm đã rõ thì không cần xác minh. Căn cứ nội dung tự kiểm điểm của cán bộ, chiến sĩ và kết quả xác minh, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, xét thấy cần thiết phải tạm đình chỉ công tác của cán bộ, chiến sĩ vi phạm thì ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định;

Căn cứ nội dung vi phạm để tổ chức họp xét cho phù hợp: Nếu xử lý bằng hình thức phê bình thì tổ chức họp đơn vị hoặc cán bộ chủ chốt (thành phần do thủ trưởng đơn vị quyết định), sau đó ra thông báo bằng văn bản; nếu xử lý bằng hình thức hạ bậc danh hiệu thi đua năm hoặc không xét tặng danh hiệu thi đua năm thì tổ chức họp Hội đồng thi đua, khen thưởng cùng cấp (nếu không tổ chức họp thì xin ý kiến bằng văn bản); nếu xử lý bằng hình thức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về nhận xét, đánh giá và xếp loại cán bộ trong Công an nhân dân; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật từ khiển trách đến tước danh hiệu Công an nhân dân thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân;

Sau khi xử lý, báo cáo bằng văn bản về cơ quan điều lệnh cấp trên trực tiếp hoặc đơn vị ra thông báo. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển tài liệu cho cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,711

Bài viết về

Công an nhân dân

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]