Nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội (Hình từ internet)
Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ Khoản 17 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi Điều 23 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như sau:
- Nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đầu tư xây dựng theo dự án thực hiện theo quy định sau:
+ Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố cho từng loại sản phẩm thì việc lựa chọn căn hộ thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng;
+ Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố cho từng loại sản phẩm thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức bốc thăm do chủ đầu tư tổ chức, có đại diện Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án được phê duyệt tham gia giám sát. Việc bốc thăm phải có biên bản kết quả bốc thăm.
+ Trường hợp dự án có đối tượng đảm bảo quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, được Khoản 16 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, là người có công với cách mạng hoặc người khuyết tật thì được ưu tiên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà không phải bốc thăm với tỷ lệ nhất định.
+ Số lượng căn hộ (căn nhà) dành cho các đối tượng ưu tiên này (không thông qua bốc thăm) được xác định bằng tỷ lệ giữa tổng số hồ sơ của 02 nhóm đối tượng ưu tiên này trên tổng số hồ sơ đăng ký nhân với tổng số căn hộ (căn nhà) nhà ở xã hội của dự án.
+ Danh sách của nhóm đối tượng ưu tiên được sắp xếp theo thứ tự theo thời điểm nộp hồ sơ. Các căn hộ dành cho các đối tượng ưu tiên được bố trí theo thứ tự của danh sách ưu tiên cho đến khi hết, các đối tượng còn lại được tiếp tục tham gia bốc thăm.
- Đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 49 của Luật Nhà ở thì có thể đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại dự án do các thành phần kinh tế đầu tư hoặc dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai thực hiện nhưng phải bảo đảm nguyên tắc mỗi đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở chỉ được hỗ trợ giải quyết một lần.
+ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chí xét duyệt đối tượng, điều kiện đối với các trường hợp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án xây dựng nhà ở xã hội do mình triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang gửi Bộ Xây dựng để có ý kiến thống nhất bằng văn bản trước khi ban hành, trong thời hạn 15 ngày làm việc Bộ Xây dựng có trách nhiệm trả lời về nội dung xin ý kiến.
+ Đối với các trường hợp đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại các dự án do các thành phần kinh tế đầu tư thì nguyên tắc và tiêu chí xét duyệt đối tượng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 100/2015/NĐ-CP được Khoản 17 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi.
Theo Khoản 16 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định về hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:
- Các đối tượng được quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội khi xin hỗ trợ nhà ở xã hội phải có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở theo mẫu do Bộ Xây dựng hướng dẫn, giấy tờ chứng minh về đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP và giấy tờ chứng minh các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập quy định tại các Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
- Giấy tờ chứng minh về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:
+ Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 49 của Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 phải có giấy tờ chứng minh về đối tượng theo quy định của pháp luật về người có công với cách mạng, xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cấp;
+ Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải có giấy xác nhận về đối tượng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú từ một năm trở lên nếu có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác;
+ Đối tượng quy định tại các Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải có xác nhận về đối tượng do cơ quan nơi đang làm việc về đối tượng;
+ Đối tượng quy định tại Khoản 8 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải có giấy tờ chứng minh đối tượng được thuê nhà ở công vụ do cơ quan quản lý nhà ở công vụ cấp;
+ Đối tượng quy định tại Khoản 9 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải có giấy tờ chứng minh về đối tượng do cơ sở đào tạo nơi đối tượng đang học tập;
+ Đối tượng quy định tại Khoản 10 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải có bản sao có chứng thực chứng minh người đó có tên trong Danh sách thu hồi đất ở, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền;
+ Trường hợp đối tượng là người khuyết tật quy định tại Điều 23 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì phải có xác nhận là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện thực trạng nhà ở như sau:
+ Đối tượng quy định tại các Khoản 1, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải có xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú từ một năm trở lên nếu có thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác;
+ Đối tượng quy định tại Khoản 8 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải có giấy xác nhận của cơ quan quản lý nhà ở công vụ về việc đã trả lại nhà ở công vụ;
+ Đối tượng quy định tại Khoản 9 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải có xác nhận của cơ sở đào tạo nơi đối tượng đang học tập về việc chưa được thuê nhà ở tại nơi học tập;
+ Đối tượng quy định tại Khoản 10 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư.
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú như sau:
+ Trường hợp đối tượng đăng ký xin mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội thì phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó;
+ Trường hợp đối tượng đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không có hộ khẩu thường trú theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi bới Khoản 16 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP thì phải có bản sao giấy xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;
+ Kể từ ngày Luật Cư trú có hiệu lực thì việc xác nhận đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thực hiện theo quy định của Luật Cư trú; trường hợp đã được cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập như sau:
+ Các đối tượng quy định tại Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị mà người đó đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
+ Các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 tự kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Sở Xây dựng liên hệ với Cục thuế địa phương để xác minh thuế thu nhập của các đối tượng này trong trường hợp cần thiết.
- Các đối tượng quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 phải đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 51 của Luật Nhà ở 2014, trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân dưới 10 m2/người.
- Bộ Xây dựng ban hành mẫu giấy tờ để thực hiện các quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi bới Khoản 16 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP.
Nguyễn Phạm Nhựt Tân