Chó nghiệp vụ của ngành Hải quan được sử dụng trong những trường hợp nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
26/07/2023 18:30 PM

Cho hỏi chó nghiệp vụ của ngành Hải quan được sử dụng trong những trường hợp nào? Trách nhiệm quản lý chó nghiệp vụ gồm những gì? - Tuấn Lâm (Phú Yên)

Chó nghiệp vụ của ngành Hải quan được sử dụng trong những trường hợp nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về chó nghiệp vụ của ngành Hải quan

Theo Điều 4 Quyết định 3927/QĐ-TCHQ năm 2015 quy định về chó nghiệp vụ của ngành Hải quan như sau:

- Chó nghiệp vụ là công cụ hỗ trợ của lực lượng Hải quan được tuyển chọn, huấn luyện để có khả năng phát hiện các chất ma túy, chất nổ, tiền hoặc tiền giả hoặc các sản phẩm, hàng hóa khác mà theo pháp luật bị cấm mua bán, vận chuyển.

- Chó nghiệp vụ được đào tạo và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp theo chuyên khoa của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, hoặc các cơ sở đào tạo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

- Hồ sơ đối với mỗi chó nghiệp vụ gồm có:

+ Giấy xác nhận đăng ký công cụ hỗ trợ.

+ Hệ phả (lý lịch về dòng, giống, tuổi và tính biệt...).

+ Giấy chứng nhận tốt nghiệp chuyên khoa huấn luyện.

+ Sổ theo dõi sức khỏe.

+ Sổ theo dõi quá trình huấn luyện và kết quả sử dụng.

+ Quyết định trang bị chó nghiệp vụ .

+ Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

- Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ- Cục Điều tra chống buôn lậu lập hồ sơ đối với mỗi chó nghiệp vụ, nhập vào thống kê theo dõi và quản lý tại Trung tâm. Một bộ hồ sơ được chuyển cho đơn vị được trang bị sử dụng chó nghiệp vụ .

- Đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ tiếp nhận, quản lý hồ sơ và bổ sung hồ sơ đối với mỗi chó nghiệp vụ trong quá trình quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ.

- Thời hạn bảo quản hồ sơ theo quy định về hồ sơ kiểm soát hải quan.

2. Chó nghiệp vụ của ngành Hải quan được sử dụng trong những trường hợp nào?

Chó nghiệp vụ được phối hợp sử dụng trong công tác giám sát, kiểm tra và kiểm soát hải quan để răn đe, phòng ngừa tội phạm, phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm qua địa bàn hoạt động hải quan. Chó nghiệp vụ phải được và chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau:

- Sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra hải quan đối với: hàng hóa, hành lý xuất khẩu - nhập khẩu - quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh - nhập cảnh - quá cảnh nghi vấn có cất giấu ma túy hoặc các mặt hàng cấm khác theo phân luồng của hệ thống quản lý rủi ro.

- Sử dụng chó nghiệp vụ thường xuyên theo kế hoạch được phê duyệt để răn đe phòng ngừa và phát hiện tội phạm tại các địa bàn trọng điểm.

- Sử dụng chó nghiệp vụ đột xuất theo quyết định của cấp có thẩm quyền phục vụ đấu tranh chuyên án hoặc kiểm tra, khám xét các đối tượng trọng điểm.

- Sử dụng chó nghiệp vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền để phối hợp với các lực lượng chức năng ngoài địa bàn hoạt động hải quan.

(Điều 6 Quyết định 3927/QĐ-TCHQ năm 2015)

3. Trách nhiệm quản lý chó nghiệp vụ của ngành Hải quan

- Cục Điều tra chống buôn lậu có trách nhiệm:

+ Tham mưu cho Tổng cục việc bố trí, trang bị chó nghiệp vụ, hướng dẫn, việc quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ trong toàn ngành.

+ Xây dựng trình Tổng cục ban hành các thể chế, quy định về quản lý, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ.

+ Kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác huấn luyện và sử dụng, đánh giá hiệu quả công tác quản lý sử dụng chó nghiệp vụ tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

+ Tổ chức đào tạo, tập huấn cấp chứng chỉ cho huấn luyện viên và chó nghiệp vụ đã tốt nghiệp của ngành Hải quan; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, huấn luyện viên và chó nghiệp vụ.

+ Đảm bảo cung cấp trang bị chuyên dụng, dịch vụ thú y cho các đơn vị sử dụng chó nghiệp vụ khi có yêu cầu.

+ Đề xuất khen thưởng kịp thời; kiến nghị xử lý nghiêm minh các cá nhân và đơn vị vi phạm các quy định về quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ.

- Đội quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ có trách nhiệm:

+ Tham mưu giúp lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu hướng dẫn, kiểm tra công tác trang bị, quản lý, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ thuộc các đơn vị trong ngành Hải quan.

+ Thực hiện đào tạo cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ cho các đơn vị địa phương; tổ chức quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ trực tiếp tham gia các nhiệm vụ do lãnh đạo yêu cầu.

+ Tổ chức cấp phát trang bị đặc thù phục vụ công tác quản lý, chăm sóc, huấn luyện sử dụng chó nghiệp vụ cho các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ trong ngành.

- Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm:

+ Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện các quy định về quản lý, huấn luyện, bố trí và phối hợp sử dụng chó nghiệp vụ trong địa bàn hoạt động Hải quan do đơn vị quản lý.

+ Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác vệ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chữa bệnh và huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ của đơn vị.

+ Phản ánh các vấn đề bất cập, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng chó nghiệp vụ.

+ Khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm các cá nhân và đơn vị thuộc quyền vi phạm các quy định về quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ.

- Các đơn vị sử dụng chó nghiệp vụ có trách nhiệm:

+ Nuôi dưỡng, chăm sóc chó nghiệp vụ có sức khỏe đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sử dụng.

+ Xây dựng và thực hiện kế hoạch huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ vào công tác đấu tranh phòng chống vận chuyển trái phép các chất ma túy, hàng cấm.

Yêu cầu: chó nghiệp vụ phải được huấn luyện thuần thục tại địa điểm kiểm tra hải quan, duy trì được năng lực phát hiện ra ma túy, hàng cấm được cất giấu. Đảm bảo mỗi chó nghiệp vụ phải được làm việc tối thiểu 2 ca mỗi ngày, mỗi ca từ 30-40 phút.

+ Quản lý và sử dụng các phương tiện chuyên dụng đúng quy chế.

+ Phân công cán bộ quản lý, kiểm tra việc nuôi dưỡng, huấn luyện sử dụng chó chó nghiệp vụ của đơn vị; hàng tuần phải dành 01 buổi trực tiếp kiểm tra thời gian, nội dung và kết quả huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ; sau kiểm tra có ghi nhận xét và đề xuất lãnh đạo chỉ đạo cụ thể. Trường hợp đơn vị được trang bị từ 06 chó nghiệp vụ trở lên thì có thể bố trí 01 cán bộ quản lý chuyên trách.

+ Xử lý các cán bộ trong đơn vị vi phạm các quy định về quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ.

- Cán bộ, nhân viên phục vụ và huấn luyện viên có trách nhiệm:

+ Thực hiện đúng quy định về quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ.

+ Mọi trường hợp chó nghiệp vụ bị bệnh, suy giảm sức khỏe, hoặc bị chết; chó nghiệp vụ bị suy giảm năng lực tác nghiệp, hoặc không được huấn luyện và sử dụng theo quy định đều phải được kiểm điểm, xem xét trách nhiệm huấn luyện viên và đơn vị quản lý. Nếu có vi phạm các quy định do lỗi chủ quan thì phải bị hạ bậc thi đua, xem xét kỷ luật.

(Điều 9 Quyết định 3927/QĐ-TCHQ năm 2015)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,941

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]