Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám chữa bệnh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/07/2023 08:04 AM

Cho tôi hỏi phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám chữa bệnh được quy định thế nào? - Quốc Tính (Tiền Giang)

Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám chữa bệnh

Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám chữa bệnh (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề

Nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám chữa bệnh theo Điều 3 Thông tư 35/2019/TT-BYT như sau:

- Bảo đảm chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người bệnh.

- Phù hợp với văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn liên quan đến y tế mà người đó đã được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;

- Phù hợp với năng lực thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề theo chuyên khoa đăng ký và phù hợp với danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt tại tuyến huyện, xã, thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

- Không phân biệt bác sỹ làm việc ở tuyến trên với tuyến dưới, bác sỹ mới được cấp chứng chỉ hành nghề hay đã làm việc lâu năm.

- Một kỹ thuật có thể được thực hiện ở nhiều chuyên khoa, chuyên ngành nhưng kỹ thuật đó được sắp xếp ở chuyên khoa, chuyên ngành phù hợp nhất trong Danh mục kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư 35/2019/TT-BYT.

2. Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám chữa bệnh

Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám chữa bệnh theo Điều 4, 5, 6 và Điều 7 Thông tư 35/2019/TT-BYT như sau:

* Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề là bác sỹ:

- Người hành nghề là bác sỹ có phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh đa khoa được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 35/2019/TT-BYT và sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong trường hợp vượt quá năng lực chuyên môn.

- Người hành nghề là bác sỹ có phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa tương ứng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 35/2019/TT-BYT và sơ cứu, cấp sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

>> Xem Phụ lục I và Phụ lục II tại đây:

Phụ lục

- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề, văn bằng, chứng chỉ hoặc chứng nhận và năng lực của người hành nghề là bác sỹ để giao cho người hành nghề bằng văn bản được thực hiện các chuyên môn kỹ thuật cụ thể tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do mình phụ trách.

* Phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ y học dự phòng:

Người hành nghề là bác sỹ y học dự phòng được khám, phát hiện và xử trí các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng.

* Phạm vi hoạt động chuyên môn của y sỹ:

Người hành nghề là y sỹ tại tuyến xã được phép tham gia sơ cứu ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh thông thường theo quy định tại Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV.

* Phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên:

Người hành nghề là điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên được thực hiện phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng quy định tại Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 32,641

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]