Nhà đầu tư nào được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
05/08/2023 12:00 PM

Cho tôi hỏi theo quy định thì các nhà đầu tư nào được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài? - Trung Dũng (Tây Ninh)

Nhà đầu tư nào được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài?

Nhà đầu tư nào được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là gì?

Theo khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

2. Nhà đầu tư nào được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài?

Theo Điều 68 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

- Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệpLuật Đầu tư.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.

- Tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

- Hộ kinh doanh đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020:

+ Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chứcLuật Viên chức;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

+ Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

- Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài

Quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài theo Điều 69 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:

- Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

- Tiền và tài sản hợp pháp khác theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Nghị định 31/2021/NĐ-CP gồm:

+ Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật;

+ Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam;

+ Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm;

+ Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản;

+ Cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 69 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

+ Các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự.

- Vốn đầu tư ra nước ngoài được dùng để góp vốn, cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh (nếu có) để thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư

Các khoản vốn đã chuyển ra nước ngoài, khi được thu hồi và chuyển về nước thì không tính vào vốn đã chuyển ra nước ngoài.

- Nhà đầu tư Việt Nam được dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư đó tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế ở nước ngoài. 

Trong trường hợp này, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,740

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]