Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
16/08/2023 11:01 AM

Vốn ODA, vốn vay ưu đãi là gì? Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm những phương thức nào? - Hoàng Phi (Tiền Giang)

Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Vốn ODA, vốn vay ưu đãi là gì?

Theo khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP thì vốn ODA, vốn vay ưu đãi là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, bao gồm:

- Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

- Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc. Phương pháp tính thành tố ưu đãi nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP;

Phụ lục I

- Vốn vay ưu đãi là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA được quy định tại điểm b khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP.

2. Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Theo Điều 4 Nghị định 114/2021/NĐ-CP thì các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:

- Chương trình.

- Dự án.

- Phi dự án.

- Hỗ trợ ngân sách.

3. Quy định về ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Quy định về ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo Điều 5 Nghị định 114/2021/NĐ-CP như sau:

- Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh; thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh; đổi mới sáng tạo; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.

- Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

- Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.

4. Thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo Điều 8 Nghị định 114/2021/NĐ-CP như sau:

- Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi:

+ Lập, lựa chọn, phê duyệt đề xuất chương trình, dự án;

+ Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về đề xuất chương trình, dự án được phê duyệt;

+ Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án;

+ Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án và đề nghị xem xét tài trợ;

+ Lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;

+ Tùy thuộc quy định của nhà tài trợ, thực hiện một trong các thủ tục sau: ký kết điều ước quốc tế; ký thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;

+ Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;

+ Hoàn thành, chuyển giao kết quả.

- Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại:

+ Lập Văn kiện dự án, phi dự án;

+ Quyết định chủ trương thực hiện đối với dự án, phi dự án quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 114/2021/NĐ-CP;

+ Thẩm định, phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án;

+ Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về việc phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án và đề nghị xem xét tài trợ;

+ Tùy thuộc quy định của nhà tài trợ nước ngoài, thực hiện một trong các thủ tục sau: Ký kết điều ước quốc tế; ký thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại; ký văn bản trao đổi về dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án;

+ Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;

+ Hoàn thành, chuyển giao kết quả.

- Đối với khoản hỗ trợ ngân sách:

+ Lập hồ sơ, tài liệu khoản hỗ trợ ngân sách;

+ Quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách;

+ Ký kết điều ước quốc tế, ký thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho khoản hỗ trợ ngân sách;

+ Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;

+ Hoàn thành, chuyển giao kết quả.

- Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn theo cơ chế hoà trộn: Cơ quan chủ quản thực hiện trình tự, thủ tục đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 114/2021/NĐ-CP.

- Chương trình, dự án thực hiện thủ tục rút gọn:

+ Dự án đầu tư khẩn cấp sử dụng vốn ODA không hoàn lại thực hiện theo quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư công;

+ Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại; dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại chuẩn bị dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại điểm c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 8 Nghị định 114/2021/NĐ-CP.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,260

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]