Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
22/08/2023 17:05 PM

Xin hỏi để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện nào? - Mạnh Dũng (Hà Nội)

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Căn cứ quy định tại Điều 60 Luật Đầu tư 2020 thì để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư 2020.

- Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư 2020 và đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư 2020.

- Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép.

- Có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 Luật Đầu tư 2020.

- Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (Hình từ internet)

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 61 Luật Đầu tư 2020 như sau:

- Đối với các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 Luật Đầu tư 2020.

- Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp nêu trên, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

+ Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

+ Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 Luật Đầu tư 2020;

+ Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Đầu tư 2020;

+ Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

- Trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Các trường hợp chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Căn cứ Khoản 1 Điều 64 Luật Đầu tư 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chấm dứt hiệu lực trong trường hợp sau đây:

- Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;

- Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;

- Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;

- Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư;

- Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

- Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tại nước ngoài theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,576

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]