Quy định về tần suất quan trắc nước thải định kỳ năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
28/08/2023 17:01 PM

Cho tôi hỏi hoạt động quan trắc nước thải định kỳ sẽ có tần suất bao nhiêu lâu thì sẽ tiến hành 01 lần? – Trung An (Bình Dương)

Quy định về tần suất quan trắc nước thải định kỳ năm 2023

Quy định về tần suất quan trắc nước thải định kỳ năm 2023 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng nào phải quan trắc nước thải định kỳ?

Đối tượng quan trắc nước thải định kỳ được quy định tại Phụ lục XXVIII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP (trừ các trường hợp: cơ sở đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở có hệ thống xử lý nước thải phát sinh từ quá trình vệ sinh bồn bể định kỳ tách riêng với hệ thống xử lý nước thải, cơ sở xả nước làm mát không sử dụng clo hoặc hóa chất khử trùng để diệt vi sinh vật và cơ sở xả nước tháo khô mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đá vôi).

Cụ thể như sau:

- Đối tượng quy định tại Cột 2 với mức lưu lượng quy định tại Cột 4 Phụ lục XXVIII thực hiện quan trắc nước thải định kỳ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 97 Nghị định 08/2022/NĐ-CP;

- Đối tượng quy định tại Cột 2 với mức lưu lượng quy định tại Cột 5 Phụ lục XXVIII thực hiện quan trắc nước thải định kỳ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 97 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

(Khoản 2 Điều 97 Nghị định 08/2022/NĐ-CP)

Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

(Khoản 9 Điều 3 Nghị định 08/2022/NĐ-CP)

2. Quy định về tần suất quan trắc nước thải định kỳ năm 2023

Tần suất quan trắc nước thải định kỳ năm 2023 được quy định cụ thể tại điểm b khoản 3 Điều 97 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:

- Đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động liên tục: Tần suất quan trắc nước thải định kỳ là 03 tháng/lần đối với trường hợp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và 06 tháng/lần đối với trường hợp còn lại.

- Đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo thời vụ thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường có tần suất quan trắc định kỳ như sau:

+ 01 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 03 tháng trở xuống;

+ 02 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 03 tháng đến 06 tháng;

+ 03 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 06 tháng đến dưới 09 tháng;

+ 04 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 09 tháng;

Lưu ý: Bảo đảm thời gian giữa hai lần quan trắc tối thiểu là 03 tháng.

- Đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo thời vụ không thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường có tần suất quan trắc định kỳ như sau:

+ 01 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 06 tháng trở xuống;

+ 02 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 06 tháng;

Lưu ý: Bảo đảm thời gian giữa hai lần quan trắc tối thiểu là 06 tháng.

- Riêng đối với các thông số tổng hóa chất bảo vệ thực vật clo hữu cơ, tổng hóa chất bảo vệ thực vật phốt pho hữu cơ, tổng Polychlorinated Biphenyl (PCB), Dioxin, Halogen hữu cơ dễ bị hấp thụ (nếu có), tần suất là 01 năm/lần cho tất cả các trường hợp nêu trên.

3. Các nguyên tắc bảo vệ môi trường năm 2023

Hoạt động bảo vệ môi trường phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

- Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

- Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

- Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

- Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

- Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.

(Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,848

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]