Những ai có quyền yêu cầu xác định cha mẹ con?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
05/09/2023 15:30 PM

Xin cho tôi hỏi những người nào có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định cha mẹ con? - Hồng Minh (Bình Định)

Những ai có quyền yêu cầu xác định cha mẹ con?

Những ai có quyền yêu cầu xác định cha mẹ con? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Những ai có quyền yêu cầu xác định cha mẹ con?

Cụ thể tại Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định người có quyền yêu cầu xác định cha mẹ con bao gồm:

- Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

- Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

+ Cha, mẹ, con, người giám hộ;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

2. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha mẹ con

Căn cứ theo Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định thẩm quyền giải quyết việc xác định cha mẹ con như sau:

- Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

3. Nguyên tắc xác định cha mẹ con

Nguyên tắc xác định cha mẹ con được quy định tại Điều 88 và 89 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

- Xác định cha, mẹ

+ Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

+ Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

- Xác định con

+ Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.

+ Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

4. Quy định về xác định cha, mẹ, con trong một số trường hợp

4.1 Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người có yêu cầu chết

Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.

(Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

4.2 Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

- Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

- Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.

- Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.

- Việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được áp dụng theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

(Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

4.3 Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

(Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,132

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]