Quy chuẩn an toàn khi làm việc với đường dây điện

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/09/2023 17:00 PM

Xin hỏi về nội dung liên quan đến quy chuẩn an toàn khi làm việc với đường dây điện? - Bảo Long (Bình Dương)

Quy chuẩn an toàn khi làm việc với đường dây điện được nêu tại QCVN 01:2020/BCT về kỹ thuật quốc gia về an toàn điện được ban hành kèm theo Thông tư 39/2020/TT-BCT với các nội dung cụ thể như sau:

Làm việc gần đường dây điện cao áp

- Nhân viên đơn vị công tác phải được trang bị và sử dụng các trang bị an toàn bảo hộ lao động phù hợp.

- Nhân viên đơn vị công tác phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với đường dây có điện. Khoảng cách an toàn theo cấp điện áp được quy định như sau:

Điện áp đường dây (kV)

Khoảng cách nhỏ nhất cho phép (m)

Từ 01 đến 35

0,6

Trên 35 đến 66

0,8

Trên 66 đến 110

1,0

Trên 110 đến 220

2,0

Trên 220 đến 500

4,0

Lưu ý: Nếu không bảo đảm khoảng cách nêu trên thì phải cắt điện.

Làm việc với đường dây điện hạ áp

- Nếu có nguy cơ điện giật cho nhân viên đơn vị công tác do đường dây có điện hạ áp khác, Người chỉ huy trực tiếp phải yêu cầu nhân viên đơn vị công tác che phủ các phần có điện bằng các thiết bị bảo vệ để tránh dẫn đến nguy hiểm.

- Nhân viên đơn vị công tác phải sử dụng quần áo bảo hộ và dụng cụ bảo vệ thích hợp khi thực hiện che phần có điện.

Quy chuẩn an toàn khi làm việc với đường dây điện

Quy chuẩn an toàn khi làm việc với đường dây điện (Hình từ internet)

Thay dây, căng dây

- Đối với các công việc khi thực hiện có thể làm rơi hoặc làm chùng dây dẫn trong khoảng cột giao chéo với các đường dây khác có điện thì chỉ cho phép không cắt điện các đường dây này nếu dây dẫn của đường dây cần sửa chữa nằm dưới các đường dây đang có điện.

- Khi thay dây dẫn ở chỗ giao chéo, đơn vị công tác phải có biện pháp để dây dẫn cần thay không văng lên đường dây đang có điện đi ở bên trên.

Làm việc với dây chống sét

Khi làm việc với dây chống sét ở trên cột nằm trong vùng ảnh hưởng của các đường dây có điện phải đặt đoạn dây nối tắt giữa dây chống sét với thân cột sắt hoặc với dây xuống đất của cột bê tông, cột gỗ ở ngay cột định tiến hành công việc để khử điện áp cảm ứng.

Khi làm việc với dây dẫn, để chống điện cảm ứng gây nguy hiểm cho nhân viên đơn vị công tác phải đặt nối đất di động dây dẫn với xà của cột sắt hoặc dây nối đất của cột gỗ, cột bê tông tại nơi làm việc.

Sử dụng dây cáp thép

- Khoảng cách nhỏ nhất cho phép giữa dây cáp thép (cáp hãm, kéo) và dây chằng thép tới dây dẫn của đường dây đang có điện được quy định như sau:

Điện áp làm việc (kV)

Khoảng cách nhỏ nhất cho phép (m)

Từ 01 đến 35

2,5

Trên 35 đến 110

3,0

Trên 110 đến 220

4,0

Trên 220 đến 500

6,0

Lưu ý: Nếu dây chằng có thể dịch lại gần dây dẫn đang có điện ở khoảng cách nhỏ hơn khoảng cách nêu trên thì phải dùng dây néo để kéo dây chằng đủ cách xa dây dẫn. Dây cáp thép (cáp kéo) phải bố trí sao cho khi bị đứt cũng không thể văng về phía dây dẫn đang có điện.

Làm việc trên một đường dây đã cắt điện đi chung cột với đường dây đang có điện

- Những công việc có trèo lên cột trên một mạch đã cắt điện của đường dây nhiều mạch khi mạch kia vẫn có điện chỉ được phép tiến hành với điều kiện khoảng cách giữa hai dây dẫn gần nhất của hai mạch không nhỏ hơn khoảng cách được quy định như sau:

Điện áp làm việc (kV)

Khoảng cách không nhỏ hơn (m)

Từ 01 đến 35

3,0

66

3,5

110

4,0

220

6,0

500

8,5

- Đối với đường dây 35 kV khi khoảng cách giữa hai dây dẫn gần nhất của hai mạch nhỏ hơn 03 m nhưng không nhỏ hơn 02 m, cho phép tiến hành công việc có trèo lên cột ở mạch đã cắt điện khi mạch kia vẫn còn điện (trừ việc kéo dây chống sét) nhưng phải có biện pháp an toàn để thực hiện công việc.

- Cấm làm việc trên dây dẫn hai mạch khi một mạch vẫn còn điện trong lúc có gió to có thể làm đung đưa dây buộc giữ, dây cáp và gây khó khăn cho công việc của người làm việc ở trên cột.

Làm việc với dây dẫn

Khi thực hiện kéo hoặc dỡ dây dẫn điện, phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

- Kiểm tra tình trạng của cơ cấu hỗ trợ và cáp dẫn bảo đảm hoạt động bình thường, có các biện pháp ngăn ngừa bổ sung phòng chống đổ, sập.

- Áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng như đặt các tín hiệu cảnh báo nguy hiểm, căng dây hoặc hàng rào giới hạn khu vực nguy hiểm và bố trí Người cảnh giới khi thấy cần thiết.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,094

Bài viết về

lĩnh vực Điện

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]