Căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) thực hiện quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
Quy định về Quỹ bảo hiểm xã hội (Hình từ internet)
Căn cứ Điều 82 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Người sử dụng lao động đóng theo quy định tại Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Người lao động đóng theo quy định tại Điều 85 và Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.
- Hỗ trợ của Nhà nước.
- Các nguồn thu hợp pháp khác.
Căn cứ Điều 83 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Quỹ ốm đau và thai sản.
- Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Quỹ hưu trí và tử tuất.
Căn cứ Điều 84 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
(1) Trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại Chương III và Chương IV Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
(2) Đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
(3) Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội theo quy định, cụ thể:
- Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
+ Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội;
+ Cải cách thủ tục bảo hiểm xã hội, hiện đại hóa hệ thống quản lý; phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng bảo hiểm xã hội;
+ Tổ chức thu, chi trả bảo hiểm xã hội và hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp.
- Nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.
Định kỳ 03 năm, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
(4) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp không do người sử dụng lao động giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
(5) Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định, cụ thể:
- Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.
- Các hình thức đầu tư
+ Mua trái phiếu Chính phủ.
+ Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Cho ngân sách nhà nước vay.