Luật kinh tế là gì? Các văn bản luật về kinh tế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
10/11/2023 15:46 PM

Xin hỏi có thể hiểu luật kinh tế là gì và các văn bản pháp luật về kinh tế quan trọng cần biết khi nghiên cứu về luật kinh tế? – Thế Anh (Hà Nam)

Luật kinh tế là gì?

Hiện tại không có một văn bản pháp luật nào có quy định giải thích về khái niệm luật kinh tế. Tuy nhiên, có thể hiểu luật kinh tế là một bộ phận của pháp luật về kinh tế, là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức và quản lý kinh tế của nhà nước và trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.

Luật kinh tế ra đời nhằm duy trì và giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại cũng như đảm bảo quy trình hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình trao đổi, giao thương cả trong nước và quốc tế.

Luật kinh tế là gì? Các văn bản luật về kinh tế

Luật kinh tế là gì? Các văn bản luật về kinh tế (Hình từ internet)

Một số văn bản luật về kinh tế

Dưới đây là một số văn bản luật về kinh tế của Việt Nam đang có hiệu lực thi hành:

(1) Luật Doanh nghiệp 2020:

Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.

(2) Luật Thương mại 2005:

Luật này quy định về:

+ Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các bên thoả thuận chọn áp dụng Luật này hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật này.

+ Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này.

(3) Luật Đầu tư 2020:

Luật này quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài.

(4) Luật Cạnh tranh 2018:

Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

(5) Luật Chứng khoán 2019:

Luật này quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

(6) Luật Đầu tư công 2019:

Luật này quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

(7) Luật Kinh doanh bất động sản 2014:

Luật này quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản.

(8) Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022:

- Luật này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

- Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản luật và văn bản dưới luật khác quy định, hướng dẫn về pháp luật kinh tế.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 20,221

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]