Cấp tín dụng là gì? Quy định về cấp tín dụng ngân hàng mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/11/2023 13:03 PM

Xin hỏi cấp tín dụng là gì và các quy định liên quan đến hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại? - Thành Huy (Vĩnh Long)

Cấp tín dụng là gì?

Căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì cấp tín dụng là một trong các hoạt động ngân hàng, là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

Cấp tín dụng là gì? Quy định về cấp tín dụng ngân hàng mới nhất

Cấp tín dụng là gì? Quy định về cấp tín dụng ngân hàng mới nhất (Hình từ internet)

Các hình thức cấp tín dụng

Căn cứ Khoản 3 Điều 98 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì cấp tín dụng được thực hiện dưới các hình thức sau đây:

- Cho vay;

- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;

- Bảo lãnh ngân hàng;

- Phát hành thẻ tín dụng;

- Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;

- Các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Những trường hợp không được cấp tín dụng

Căn cứ Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 19 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng như sau:

(1) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau đây:

- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;

- Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương.

(2) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng nêu trên. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng nêu trên.

(3) Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

(4) Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng.

(5) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

Lưu ý:

- Việc cấp tín dụng nêu trên bao gồm cả hoạt động mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

- Quy định tại điểm (1) không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.

Quy định về hạn chế cấp tín dụng

Căn cứ Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 20 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau đây:

(i) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

(ii) Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân;

(iii) Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập;

(iv) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;

(v) Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng;

(vi) Các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

Lưu ý:

- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng nêu tại điểm (i), (ii), (iii), (iv) và (v) không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng ở đây bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng nêu tại điểm (i), (iii), (iv) phát hành.

- Việc cấp tín dụng đối với những đối tượng nêu trên phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng thông qua và công khai trong tổ chức tín dụng.

- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một đối tượng nêu tại điểm (vi) không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng; đối với tất cả các đối tượng nêu tại điểm (vi)không được vượt quá 20% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng ở đây bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng nêu tại điểm (vi) phát hành.

Quy định giới hạn cấp tín dụng

Căn cứ Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 21 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định về giới hạn cấp tín dụng như sau:

(a) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

(b) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

(c) Mức dư nợ cấp tín dụng nêu tại điểm (a) và (b) không bao gồm các khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác.

(d) Mức dư nợ cấp tín dụng nêu tại điểm (a) và (b) bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành.

(đ) Giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước quy định.

(e) Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan vượt quá giới hạn cấp tín dụng nêu tại điểm (a) và (b) thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

(f) Trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn nêu tại điểm (a) và (b) đối với từng trường hợp cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn nêu tại điểm (a) và (b).

(g) Tổng các khoản cấp tín dụng của một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu tại điểm (f) không được vượt quá bốn lần vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 29,911

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]