Nội dung dự thảo Quyết định về tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Hình từ internet)
Theo đó, những nội dung cơ bản của Quyết định về tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bao gồm:
(1) Phạm vi điều chỉnh: Thực hiện cho vay để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 02 loại công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hộ gia đình.
- Quyết định này chỉ quy định về chính sách tín dụng trong việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hộ gia đình, không bao gồm chính sách tín dụng đối với tổ chức kinh tế tham gia đầu tư công trình cấp nước tập trung nông thôn do các khó khăn được đánh giá tại điểm c tiểu mục 2.2, mục “cơ sở thực tiễn” của Dự thảo Tờ trình.
- Bổ sung khái niệm vùng nông thôn “Vùng nông thôn được xác định thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo Quyết định này là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” để đảm bảo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.
(2) Đối tượng áp dụng: Ngân hàng chính sách xã hội, khách hàng vay vốn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
(3) Điều kiện vay vốn của chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- Hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình nước sạch, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa;
- Hộ gia đình vay vốn phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận đúng đối tượng và đủ điều kiện thụ hưởng chính sách tín dụng.
Hiện nay, các chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nói chung và chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nói riêng triển khai tại NHCSXH có phương thức cho vay ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thì Ủy ban nhân dâp cấp xã đều đang thực hiện nội dung xác nhận về việc khách hàng đúng đối tượng thụ hưởng và đủ điều kiện vay vốn theo quy định của từng chương trình tín dụng.
NHCSXH phối hợp thực hiện ủy thác đối với Tổ chức chính trị xã hội, ủy nhiệm đối với Tổ Tiết kiệm và vay vốn trong việc thẩm định phương án sử dụng vốn vay của khách hàng vay vốn, bình xét đề xuất mức cho vay. NHCSXH có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, đối chiếu tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ vay vốn, phê duyệt phương án vay vốn đảm bảo tính khả thi, giải ngân đến đúng khách hàng, đồng thời kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay, đảm bảo khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ gốc lãi đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận nhằm bảo toàn nguồn vốn tín dụng chính sách.
(4) Mức cho vay của chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
* Mức cho vay tối đa mỗi loại công trình là 25 triệu đồng/loại công trình/khách hàng.
Mức cho vay tối đa được xác định dựa trên cơ sở sau:
- Cơ sở về nguồn vốn: Theo báo cáo của NHCSXH:
+ Kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2023 đã được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Trong giai đoạn 2021-2023, dự kiến dư nợ chương trình đến hết 31/12/2023 đạt khoảng 54.169 tỷ đồng, tăng 9.772 tỷ đồng so với năm 2021 với hơn 3 triệu hộ gia đình còn dư nợ, bình quân dư nợ khoảng 20 triệu đồng/hộ gia đình;
+ Dự kiến giai đoạn 2024-2030: Tổng nguồn vốn cho vay chương trình giai đoạn 2024-2030 dự kiến là 115.800 tỷ đồng (Trong đó, vốn thu hồi cho vay quay vòng khoảng 77.200 tỷ đồng, vốn cân đối mới khoảng 38.600 tỷ đồng). Cơ sở để tính nguồn vốn và dư nợ tăng trưởng đến năm 2030 như sau: Tổng số hộ gia đình vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn dư nợ tại NHCSXH đến ngày 31/12/2023 khoảng 3 triệu hộ. Dự kiến có khoảng 2,205 triệu lượt hộ đến hạn và trả nợ trong 7 năm (2024-2030) với số tiền 77.200 tỷ đồng (dự kiến bình quân dư nợ giai đoạn 2024-2030 là 30 triệu đồng/hộ gia đình).
Theo kết quả rà soát, tổng số vốn cần giải ngân cho chương trình trong giai đoạn 2024-2030 là 115.800 tỷ đồng (40 triệu đồng/hộ x 2,895 triệu hộ), trong đó: vốn thu hồi cho vay quay vòng khoảng 77.200 tỷ đồng, vốn cân đối mới khoảng 38.600 tỷ đồng. Kế hoạch dư nợ cho vay đến 31/12/2030 ước đạt 91.098 tỷ đồng, tăng 37.000 tỷ đồng (tăng 68%) so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm.
Như vậy, việc thực hiện cho vay sẽ không tạo áp lực cho ngân sách nhà nước phải bố trí thêm nguồn vốn để đáp ứng cho việc điều chỉnh chính sách và không ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các Chương trình tín dụng ưu đãi khác tại NHCSXH;
- Cơ sở tính toán giá trị của công trình: Theo công bố của Tổng cục Thống kê từ năm 2018 đến nay (năm 2018 là năm có Quyết định nâng mức cho vay lên 10 triệu đồng/công trình) về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2019 tăng 2,79% so với năm 2018, năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019, năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, năm 2023 dự kiến tăng 3,75% so với năm 2022). Do đó, chi phí xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng tăng tương ứng với mức tăng CPI.
Ngoài ra, theo kết quả công bố chỉ số giá xây dựng hàng năm tại các tỉnh thực hiện theo Thông tư 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình thì chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí nhân công để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đều tăng mạnh theo từng năm;
- Cơ sở thực tiễn: Theo báo cáo của NHCSXH, ý kiến kiến nghị của các cử tri được tổng hợp từ các đợt tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHCSXH đều cho rằng mức vay tối đa hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng để hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và đề nghị nâng mức cho vay mỗi loại công trình cấp nước và vệ sinh hộ gia đình là 25 triệu đồng/01 loại công trình - mức chi phí cần thiết tối thiểu để xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa công trình NS&VSMTNT hộ gia đình vùng nông thôn để phù hợp với giá vật liệu, nhân công theo thị trường hiện nay.
* Khách hàng có thể vay một hoặc nhiều lần nhưng dư nợ không vượt quá mức cho vay tối đa của mỗi loại công trình
Về điều kiện vay lại cũng tương tự như điều kiện vay ban đầu khi hộ gia đình chưa có công trình nước sạch, vệ sinh môi trường hoặc đã có nhưng hư hỏng xuống cấp.
Nội dung này được hiểu, trường hợp hộ vay đã vay vốn nhưng chỉ đầu tư vào một hoặc một vài công trình thuộc nhóm các loại công trình, khách hàng vay vốn có thể vay bổ sung số tiền còn lại để đầu tư công trình khác hoặc công trình đó đã hư hỏng xuống cấp thì vay vốn để sửa chữa, cải tạo.
Việc cho vay cần căn cứ theo nhu cầu vay vốn của người dân, vì vậy không nên quy định chỉ vay một lần, hộ gia đình có thể vay một hay nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt mức cho vay tối đa.
(6) Lãi suất cho vay: 9%/năm, lãi suất nợ quá hạn là 130% lãi suất cho vay.
Lãi suất cho vay được xác định trên các cơ sở:
- Mức lãi suất đang áp dụng theo quy định tại Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 01/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH và quy định tại Điều 18 Nghị định 78/2002/NĐ-CP quy định mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị NHCSXH, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước;
- Lãi suất cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang áp dụng là 9%/năm (tương đương 0,75%/tháng).
Lãi suất bình quân các nguồn vốn theo kế hoạch tín dụng và tài chính trong giai đoạn 2024-2030 lần lượt như sau: Năm 2024 là 0,3463%/tháng, năm 2025 là 0,3491%/tháng, các năm từ 2026-2030 là 0,3508%/tháng.
Lãi suất cho vay hiện hành cao hơn bình quân chi phí vốn, ngân sách Nhà nước không phải cấp bù chênh lệch lãi suất cho chương trình này.
(7) Nguồn vốn cho vay:
- Nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo quy định;
- Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay theo quy định của pháp luật;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác.
(8) Các quy định về đồng tiền cho vay là Việt Nam đồng, việc phân loại nợ, xử lý nợ bị rủi ro, hồ sơ, trình tự, thủ tục vay vốn… được xây dựng trên cơ sở các quy định sẵn có đối với các chương trình tín dụng khác của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Xem thêm nội dung tại tài liệu thẩm định dự thảo Quyết định về tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.