Dưới 18 tuổi có được đứng tên xe máy không? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Đồng thời, tại khoản 9 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA có quy định về việc người từ đủ 15 tuổi đăng ký xe như sau:
Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên thì được đăng ký xe. Trường hợp cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đăng ký xe thì phải được cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đồng ý và ghi nội dung “đồng ý”, ký, ghi rõ họ tên, mối quan hệ với người được giám hộ trong giấy khai đăng ký xe.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người từ đủ 15 tuổi trở lên thuộc đối tượng được đăng ký xe. Tuy nhiên, xe máy là động sản phải đăng ký, do đó đối với người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì việc đăng ký xe phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì mới được đứng tên xe máy.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuổi của người lái xe như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì độ tuổi hợp pháp của người lái xe thấp nhất là đủ 16 tuổi đối với xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Các loại xe khác thì xác định độ tuổi phù hợp theo quy định trên.
Mức phạt đối với người chưa đủ tuổi mà điều khiển xe máy như sau:
- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
- Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính là phạt cảnh cáo. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có thể bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
(Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP))