Các loại hợp đồng mua bán điện và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
13/12/2023 14:45 PM

Xin hỏi pháp luật quy định hợp đồng mua bán điện gồm các loại nào và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện thực hiện ra sao? - Văn Hoàng (Đồng Nai)

Các loại hợp đồng mua bán điện

Căn cứ Điều 3 Thông tư 42/2022/TT-BCT quy định hợp đồng mua bán điện là một trong các loại hợp đồng sau đây (không bao gồm các hợp đồng giữa các đơn vị điện lực là đối tượng tham gia thị trường phát điện, bán buôn điện cạnh tranh và hợp đồng mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà):

- Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt hoặc ngoài sinh hoạt được ký kết giữa khách hàng sử dụng điện (bao gồm cả khách hàng sử dụng điện lớn) với đơn vị bán lẻ điện nhằm mục đích mua điện để sử dụng;

- Hợp đồng mua buôn, bán lẻ điện được ký kết giữa đơn vị bán lẻ điện với đơn vị bán buôn điện nhằm mục đích mua điện để bán lại cho bên thứ ba (trừ hợp đồng giữa các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc hợp đồng giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các đơn vị thành viên).

Các loại hợp đồng mua bán điện và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

Các loại hợp đồng mua bán điện và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện (Hình từ internet)

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

Căn cứ Điều 24 Thông tư 42/2022/TT-BCT quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện như sau:

- Sở Công Thương có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp đến 110 kV nếu các bên chưa tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc trọng tài thương mại và có thoả thuận đề nghị Sở Công Thương giải quyết tranh chấp.

- Cục Điều tiết điện lực có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp trên 110 kV nếu các bên chưa tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc trọng tài thương mại và có thỏa thuận đề nghị Cục Điều tiết điện lực giải quyết tranh chấp.

- Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương chỉ giải quyết tranh chấp trong trường hợp hai bên không tự thương lượng được và có thỏa thuận đề nghị Cục Điều tiết điện lực hoặc Sở Công Thương giải quyết.

Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

Căn cứ Điều 25 Thông tư 42/2022/TT-BCT quy định trước khi đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp, các bên phải tiến hành tự thương lượng.

Trường hợp tự thương lượng không thành, một bên hoặc hai bên có quyền gửi văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền.

Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp

- Văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp;

- Biên bản làm việc hoặc tài liệu khác chứng minh các bên không tự giải quyết tranh chấp được và thỏa thuận đề nghị Sở Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực giải quyết;

- Bản sao Hợp đồng mua bán điện;

- Bản sao Giấy phép hoạt động điện lực (nếu có);

- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu giải quyết tranh chấp là có căn cứ và hợp pháp;

- Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc .

Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo tới các bên liên quan về việc tiếp nhận xử lý tranh chấp. Trường hợp từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu; kiểm tra thực tế (trong trường hợp cần thiết) và xác minh hoàn thiện hồ sơ.

Chậm nhất sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức họp hoà giải.

Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức họp hòa giải, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo về kết quả giải quyết tranh chấp.

Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, việc tổ chức họp hòa giải và ban hành văn bản thông báo về kết quả giải quyết tranh chấp không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết quả giải quyết tranh chấp của Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương thì có quyền đưa ra Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Toà án để giải quyết.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,358

Bài viết về

lĩnh vực Điện

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]