Các trường hợp không xem xét kết nạp lại với người vào Đảng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/12/2023 10:15 AM

Cho tôi hỏi theo quy định thì các trường hợp nào sẽ không xem xét kết nạp lại với người vào Đảng? - Quốc Đăng (Hậu Giang)

Các trường hợp không xem xét kết nạp lại với người vào Đảng

Các trường hợp không xem xét kết nạp lại với người vào Đảng (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều kiện kết nạp lại với người vào Đảng

Theo Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 thì người được xét kết nạp lại phải có đủ các điều kiện sau:

- Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011:

+ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.

+ Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện : thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.

- Ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xoá án tích; đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp uỷ có thẩm quyền (huyện uỷ và tương đương) xem xét, quyết định.

- Thực hiện đúng các thủ tục nêu ở các khoản 1, 2, 3 Điều 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011:

+ Người vào Đảng phải:

++ Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;

++ Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ;

++ Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.

Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.

Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.

+ Người giới thiệu phải:

++Là đảng viên chính thức và cùng công tác với người vào Đảng ít nhất một năm;

++ Báo cáo với chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người vào Đảng và chịu trách nhiệm về sự giới thiệu của mình. Có điều gì chưa rõ thì báo cáo để chi bộ và cấp trên xem xét.

+ Trách nhiệm của chi bộ và cấp uỷ:

++ Trước khi chi bộ xét và đề nghị kết nạp, chi uỷ kiểm tra lại điều kiện của người vào Đảng và lấy ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi người đó sinh hoạt.

Vấn đề lịch sử chính trị của người vào Đảng phải thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

++ Chi bộ xét và đề nghị kết nạp từng người một, khi được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức trong chi bộ tán thành thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên; khi có quyết định của cấp uỷ cấp trên, chi bộ tổ chức lễ kết nạp từng người một.

++ Đảng uỷ cơ sở xét, nếu được ít nhất hai phần ba số cấp uỷ viên tán thành kết nạp thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp.

++ Ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc cấp uỷ cơ sở được uỷ quyền xét, quyết định kết nạp từng người một.

2. Các trường hợp không xem xét kết nạp lại với người vào Đảng

Theo Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 thì không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: 

- Tự bỏ sinh hoạt đảng; 

- Làm đơn xin ra Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); 

- Gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; 

- Bị kết án vì tội tham nhũng; 

- Bị kết án về tội nghiêm trọng trở lên.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,295

Bài viết về

lĩnh vực Đảng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]