Cương lĩnh chính trị là gì? Các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
13/12/2023 12:00 PM

Cho tôi hỏi cương lĩnh chính trị là gì? Đảng Cộng sản Việt Nam có bao nhiêu cương lĩnh, đó là những cương lĩnh nào? – Kim Oanh (Tây Ninh)

Cương lĩnh chính trị là gì? Các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cương lĩnh chính trị là gì? Các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Cương lĩnh chính trị là gì?

Cương lĩnh chính trị là văn bản trình bày tóm tắt mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ cũng như phương pháp hoạt động của tổ chức Đảng.

Trong đó:

- Cương lĩnh là mục tiêu phấn đấu và các bước tiến hành của một tổ chức chính trị, một chính Đảng.

Theo V.I. Lênin thì Cương lĩnh là bản tuyên ngôn vắn tắt, rõ ràng và chính xác nói lên tất cả những điều mà Đảng muốn đạt được và vì mục đích gì mà Đảng đấu tranh.

Chính trị là từ ghép gồm từ chính và từ trị. Chính là chính đáng; trị là cai trị. Chính trị - cai trị một cách chính đáng.

Chính trị là toàn bộ những hoạt động có liên quan đến những quan hệ giữa các giai cấp, quốc gia, dân tộc và các nhóm XH với vấn đề giành, giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực Nhà nước; là sự tham gia của nhân dân vào công việc nhà nước và XH; là hoạt động thực tiễn chính trị của giai cấp, đảng phái, Nhà nước nhằm tìm kiếm những khả năng thực hiện đường lối và những mục tiêu đã đề ra nhằm thỏa mãn lợi ích. K/n mang tính khoa học.

Ở Việt Nam, Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là văn bản trình bày tóm tắt mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị được coi là văn bản có giá trị cao nhất trong hệ thống các văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam (trên cả Điều lệ Đảng).

Các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ ngày thành lập đến nay, dưới những hình thức và tên gọi khác nhau, Đảng Cộng sản Việt Nam đã năm lần ban hành cương lĩnh hoặc những văn bản có tính cương lĩnh.

(1) Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt (tháng 2 năm 1930)

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng (tháng 2/1930) thảo luận, thông qua. Tuy ngắn gọn, chỉ có 282 chữ, nhưng Chánh cương đã xác định rõ ràng nhiều vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.

Cùng với Chánh cương vắn tắt, Bác còn soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng thông qua Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt, Ðiều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Ðảng.

(2) Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10 năm 1930)

Tháng 10/1930, sau 8 tháng Đảng ra đời, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời (họp từ ngày 14/10 đến 31/10/1930) thông qua bản Luận cương chánh trị, án nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, Điều lệ Đảng, hợp thành nội dung Cương lĩnh thứ hai của Đảng.

Luận cương chánh trị của Ðảng Cộng sản Ðông Dương (còn được gọi là Luận cương cách mạng tư sản dân quyền) do đồng chí Trần Phú khởi thảo.

(3) Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2 năm 1951)

Chính cương Ðảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo và được Ðại hội II của Ðảng (tháng 2 năm 1951) thảo luận, thông qua.

(4) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (tháng 6 năm 1991)

Tại Đại hội VII, lần đầu tiên, Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong điều kiện hòa bình. Đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” năm 1991 (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991).

Cương lĩnh chỉ rõ mục tiêu và đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng, đó là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

(5) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011)

Tại Đại hội XI, năm 2011, một lần nữa, Đảng ta điều chỉnh Cương lĩnh 1991. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) được xây dựng trên cơ sở tổng kết quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, trực tiếp là tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 25 năm công cuộc đổi mới, dự báo xu thế phát triển của thế giới, của đất nước, đề ra mục tiêu, phương hướng và những định hướng lớn phát triển đất nước trong thập niên thứ hai của thế kỷ XX với tầm nhìn đến giữa thế kỷ.

Cương lĩnh 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ tiếp tục khẳng định con đường XHCN, mà đưa vào văn kiện này những nội dung mới phù hợp với những xu thế lớn của thời đại. Đó là xu thế “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”, đồng thời, Cương lĩnh cũng chỉ ra những thách thức đang diễn ra gay gắt trên thế giới và khu vực. Đó là “… chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang… hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế”.

Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 38,147

Bài viết về

lĩnh vực Đảng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]