Lao động cụ thể là gì? Lao động cụ thể và lao động trừu tượng khác nhau như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
12/01/2024 14:00 PM

Theo Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, lao động cụ thể là gì? Giữa lao động cụ thể và lao động trừu tượng khác nhau như thế nào?

Sự khác nhau giữa lao động cụ thể và lao động trừu tượng (Hình từ internet)

Lao động cụ thể là gì?

Trước tiên cần làm rõ, lao động cụ thể và lao động trừu tượng không phải là hai loại lao động mà chỉ là tính chất hai mặt của một quá trình lao động.

Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá được thể hiện như sau:

(1) Lao động cụ thể:

Lao động cụ thể là lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của một nghề nghiệp chuyên môn nhất định.

Mỗi lao động cụ thể có mục đích riêng, phương pháp, công cụ lao động, đối tượng lao động và kết quả lao động riêng.

Ví dụ: Lao động của người trồng lúa và của người thợ may có mục đích khác nhau, đối tượng, phương pháp, công cụ và kết quả sản xuất khác nhau.

- Lao động cụ thể là cơ sở của phân công lao động xã hội. Kinh tế hàng hóa càng phát triển các hình thức lao động cụ thể càng đa dạng, phong phú.

- Mỗi lao động cụ thể tạo ra một giá trị sử dụng nhất định.

- Lao động cụ thể là phạm trù vĩnh viễn (xã hội càng phát triển các hình thức của lao động cụ thể có thể thay đổi).

(2) Lao động trừu tượng

Lao động trừu tượng là lao động của người sản xuất hàng hóa đã gạt bỏ hình thức biểu hiện cụ thể của nó để quy về cái chung đồng nhất, đó là sự tiêu phí sức lao động, tiêu hao sức cơ bắp, thần kinh của con người.

- Lao động trừu tượng tạo ra giá trị hàng hóa.

- Lao động trừu tượng là phạm trù lịch sử, chỉ có sản xuất sản phẩm để bán thì lao động sản xuất hàng hóa đó mới có tính chất là lao động trừu tượng.

- Lao động trừu tượng là lao động đồng nhất và giống nhau về chất.

Mâu thuẫn cơ bản của nền sản xuất hàng hóa

Trong nền sản xuất hàng hóa, lao động cụ thể biểu hiện thành lao động tư nhân còn lao động trừu tượng biểu hiện thành lao động xã hội. Mâu thuẫn cơ bản của nền sản xuất hàng hóa là mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội.

Biểu hiện của mâu thuẫn là:

+ Sản phẩm do người sản xuất nhỏ tạo ra có thể không phù hợp với nhu cầu xã hội.

+ Hao phí lao động cá biệt của người sản xuất có thể cao hơn hay thấp hơn hao phí lao động mà xã hội chấp nhận.

+ Mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội chứa đựng khả năng sản xuất thừa.

Lao động cụ thể và lao động trừu tượng khác nhau như thế nào?

Lao động cụ thể và lao động trừu tượng là hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa, gắn bó chặt chẽ với nhau.

Lao động cụ thể tạo ra giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng là toàn bộ những công dụng của hàng hóa có thể thỏa mãn nhu cầu của con người.

Lao động trừu tượng tạo ra giá trị. Giá trị là lao động của người sản xuất hàng hóa đã kết tinh trong hàng hóa đó.

Sự khác nhau giữa lao động cụ thể và lao động trừu tượng được thể hiện như sau:

Tiêu chí

Lao động trừu tượng

Lao động cụ thể

Tính chất

Chung

Đặc thù

Mục đích

Tạo ra giá trị

Tạo ra giá trị sử dụng

Nội dung

Sự tiêu hao sức lao động chung

Sự tiêu hao sức lao động đặc thù

Hình thức

Không có hình thức cụ thể

Có hình thức cụ thể

Ngành nghề

Không phụ thuộc vào ngành nghề

Phụ thuộc vào ngành nghề

Mục tiêu về sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp

Tại Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành có đề cập đến mục tiêu, tầm nhìn về sản xuất hàng hóa, cụ thể:

**Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

**Tầm nhìn đến năm 2045: Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,382

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]