Xe ô tô không kinh doanh vận tải có phải lắp camera hành trình không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
27/01/2024 13:30 PM

Xin hỏi theo pháp luật thì trường hợp xe ô tô không kinh doanh vận tải có phải lắp camera hành trình không? - Hữu Toàn (Bình Thuận)

Quy định về việc lắp camera hành trình cho xe ô tô

Căn cứ Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định về lắp camera hành trình cho xe ô tô (hay thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô) như sau:

- Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

- Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.

- Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu sau đây:

+ Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam);

+ Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế; phòng, chống buôn lậu.

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu trữ dữ liệu vi phạm của các phương tiện trong thời gian 03 năm.

- Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo cung cấp được các thông tin theo quy định nêu trên.

- Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe và đăng xuất khi kết thúc lái xe để làm cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày.

Xe ô tô không kinh doanh vận tải có phải lắp camera hành trình không?

Căn cứ quy định nêu trên thì chỉ những xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển mới bắt buộc phải lắp camera giám sát hành trình. Điều đó đồng nghĩa xe ô tô không kinh doanh vận tải thì không bắt buộc phải lắp camera hành trình.

Xe ô tô không kinh doanh vận tải có phải lắp camera hành trình không?

Xe ô tô không kinh doanh vận tải có phải lắp camera hành trình không? (hình từ internet)

Quy định về cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô

Căn cứ Điều 9 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về việc cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô như sau:

- Dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian không quá 02 phút, kể từ thời điểm máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải nhận được dữ liệu. Trường hợp đường truyền bị gián đoạn thì cho phép gửi đồng thời cả dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường.

- Dữ liệu cung cấp được chia thành 02 loại, bao gồm các dữ liệu định danh và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe.

+ Dữ liệu định danh bao gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải; tên Sở Giao thông vận tải (nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải); biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe); trọng tải xe (số chỗ hoặc khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông); loại hình kinh doanh; họ và tên người lái xe, số giấy phép người lái xe. Dữ liệu định danh này phải được gắn kết với dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe;

+ Dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được cập nhật liên tục theo trình tự thời gian và kèm theo các thông tin tối thiểu gồm: số giấy phép người lái xe, biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (toạ độ GPS) của xe và thời gian.

- Cấu trúc thông tin kèm theo dữ liệu hình ảnh từ camera như sau:

+ Số giấy phép người lái xe là số ghi trên giấy phép người lái xe của người đang điều khiển xe;

+ Biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe): viết liền, không phân biệt chữ hoa, chữ thường, không có ký tự đặc biệt. Ví dụ: 30E00555;

+ Vị trí (Toạ độ) của xe: Decimal Degree, WGS84 (kinh độ, vĩ độ);

+ Thời gian: Unix-time theo múi giờ Việt Nam.

- Giao thức truyền dữ liệu do Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố.

- Máy chủ của đơn vị truyền dữ liệu và máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải được đồng bộ với thời gian chuẩn quốc gia theo chuẩn NTP (Network Time Protocol).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,785

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]