Chống chỉ định là gì? Có bao nhiêu loại chống chỉ định?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
27/01/2024 14:45 PM

Xin cho tôi hỏi chống chỉ định là gì? Chống chỉ định được phân thành bao nhiêu loại? – Thanh Tâm (Kiên Giang)

Chống chỉ định là gì? Có bao loại chống chỉ định?

Chống chỉ định là gì? Có bao loại chống chỉ định? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chống chỉ định là gì?

Chống chỉ định (tên tiếng Anh là Contraindication) là trường hợp người bệnh tuyệt đối không được thực hiện điều trị hoặc kỹ thuật y tế do tình trạng bệnh lý, tức là người bệnh không nên sử dụng thuốc, thủ thuật hoặc phẫu thuật vì các biện pháp điều trị này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

Ví dụ, người bệnh bị rối loạn chảy máu nên người này có chống chỉ định sử dụng aspirin do nếu điều trị bằng aspirin có thể gây chảy máu quá mức.

Có bao nhiêu loại chống chỉ định?

Chống chỉ định gồm có hai loại: Chống chỉ định tuyệt đối và Chống chỉ định tương đối

- Chống chỉ định tuyệt đối là trường hợp người bệnh tuyệt đối không được thực hiện điều trị hoặc kỹ thuật y tế do tình trạng bệnh lý. Ví dụ, trẻ em không được dùng aspirin do thuốc này có thể gây ra hội chứng Reye.

- Chống chỉ định tương đối có nghĩa là nên thận trọng xem xét sử dụng thuốc hoặc kỹ thuật y tế cho người bệnh. Bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng nếu lợi ích lớn hơn rủi ro. Ví dụ, chụp X-quang cho sản phụ là chống chỉ định tương đối do nguy cơ tia X ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi đang phát triển, tuy nhiên bác sĩ sẽ phải thực hiện khi cần để chẩn đoán các vấn đề bệnh lý có ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn thai nhi.

Quy định về chỉ định, chống chỉ định trên nhãn thuốc

Cụ thể tại Điều 20 Thông tư 06/2016/TT-BYT quy định về chỉ định, chống chỉ định trên nhãn thuốc như sau:

(1) Chỉ định

Chỉ định của thuốc phải phù hợp với công dụng, dạng bào chế, đường dùng của thuốc. Thông tin về chỉ định phải rõ ràng, cụ thể và phải nêu được:

- Mục đích sử dụng thuốc: ghi rõ thuốc được sử dụng với Mục đích dự phòng, chẩn đoán, hay Điều trị bệnh;

- Đối tượng sử dụng thuốc: ghi rõ chỉ định hoặc giới hạn chỉ định cho từng nhóm đối tượng sử dụng nhất định (nếu có), có thể phân loại theo nhóm tuổi hoặc lứa tuổi hoặc giới hạn nhóm tuổi cụ thể;

- Các Điều kiện bổ sung để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả (nếu có), ví dụ: trong quá trình Điều trị, cần phải phối hợp với các thuốc hoặc phương pháp khác để tăng hiệu quả Điều trị hoặc làm giảm tác dụng phụ của thuốc.

(2) Chống chỉ định của thuốc

Thuốc có chống chỉ định thì phải ghi cụ thể các trường hợp không được dùng thuốc. Thuốc có chống chỉ định ở trẻ em phải ghi rõ trẻ em trong độ tuổi cụ thể (tính theo tháng hoặc năm), hoặc các nhóm người bệnh phù hợp khác (ví dụ theo giới tính, cân nặng) với từng chống chỉ định của thuốc.

Nhãn thuốc là bản in, bản vẽ của chữ, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in, dập trực tiếp trên bao bì thương phẩm của thuốc hoặc được dán, đính, gắn chắc chắn trên bao bì thương phẩm của thuốc, bao gồm cả tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn phụ.

Trong đó, nhãn thuốc phải được gắn trên bao bì thương phẩm của thuốc ở vị trí mà với quan sát thông thường có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của thuốc.

Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn thuốc phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái latinh:

- Tên thuốc: Tên biệt dược, tên gốc hoặc tên chung quốc tế của thuốc;

- Tên chung quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;

- Tên và địa chỉ cơ sở nước ngoài đăng ký, sản xuất, nhượng quyền, sở hữu thuốc hoặc gia công sản xuất thuốc.

(Khoản 1 Điều 2, Điều 4 và khoản 1 Điều 6 Thông tư 06/2016/TT-BYT)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,832

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]