Quy định về chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/01/2024 16:00 PM

Xin cho tôi hỏi trường hợp, hồ sơ, thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài như thế nào? - Hồng Hạnh (Bình Dương)

Quy định về chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài 2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trường hợp chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài 

Theo khoản 1 Điều 64 Luật Đầu tư 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chấm dứt hiệu lực trong trường hợp sau đây:

- Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;

- Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;

- Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;

- Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư;

- Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

- Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

2. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Căn cứ khoản 1 Điều 87 Nghị định 31/2021/NĐ-CP nhà đầu tư nộp 02 bộ Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) gồm các tài liệu sau:

- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Bản gốc các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đã cấp;

- Quyết định chấm dứt dự án đầu tư tại nước ngoài tương ứng với quy định tại Điều 59 Luật Đầu tư 2020;

- Tài liệu chứng minh nhà đầu tư đã hoàn thành việc kết thúc, thanh lý dự án và chuyển toàn bộ tiền, tài sản, các khoản thu từ kết thúc, thanh lý dự án về nước theo quy định tại Điều 86 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.

3. Thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Theo Điều 87 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài như sau: 

- Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo mục 2. 

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần được làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình giao dịch ngoại hối của nhà đầu tư; việc chấp hành quy định của pháp luật về ngoại hối của nhà đầu tư, các vi phạm và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền (nếu có);

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài gửi nhà đầu tư, đồng thời sao gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính hoặc đăng ký thường trú, cơ quan thuế nơi xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu của nhà đầu tư (nếu có).

- Trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 Luật Đầu tư 2020, trước khi thực hiện việc chuyển toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài và chấm dứt dự án, nhà đầu tư phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 64 Luật Đầu tư 2020 mà nhà đầu tư không thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ Luật Đầu tưNghị định 31/2021/NĐ-CP, thực hiện chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài gửi nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Sau khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bị chấm dứt hiệu lực, nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tưNghị định 31/2021/NĐ-CP.

- Đối với các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư, cơ quan quyết định việc đầu tư ra nước ngoài thực hiện chấm dứt dự án và báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 640

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]