Người giữ di chúc là người hưởng di sản thì có được không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
29/01/2024 11:00 AM

Xin cho tôi hỏi người giữ di chúc là người hưởng di sản thì có được không? - Hoàng Ánh (Bình Dương)

Người giữ di chúc là người hưởng di sản thì có được không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người giữ di chúc là người hưởng di sản thì có được không?

Theo Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các quyền của người lập di chúc như sau:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 641 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.

Như vậy, người lập di chúc có quyền chỉ định người giữ di chúc, do đó, người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng hoặc người khác giữ bản di chúc đó. 

Theo đó, người hưởng di sản vẫn có thể được giữ di chúc theo chỉ định của người lập di chúc. 

2. Nghĩa vụ của người giữ di chúc như thế nào?

Tại khoản 3 Điều 641 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của người giữ bản di chúc như sau:

- Giữ bí mật nội dung di chúc;

- Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;

- Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.

3.  Người giữ di chúc phải làm gì khi người lập di chúc qua đời?

Khi người lập di chúc qua đời, người giữ di chúc phải giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc. Theo Điều 647 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc công bố di chúc, cụ thể như sau:

- Trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc.

- Trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc; nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thỏa thuận cử người công bố di chúc.

- Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc.

- Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc.

- Trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng hoặc chứng thực.

4. Những người hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung của di chúc ?

Căn cứ Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Lưu ý: Quy định nêu trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 665

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]