Giấy khám sức khỏe có thời hạn sử dụng trong bao lâu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
01/02/2024 10:30 AM

Cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì giấy khám sức khỏe có thời hạn sử dụng trong bao lâu? - Ngọc Nhiên (Cần Thơ)

Giấy khám sức khỏe có thời hạn sử dụng trong bao lâu?

Giấy khám sức khỏe có thời hạn sử dụng trong bao lâu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng khám sức khỏe

Đối tượng khám sức khỏe theo Điều 30 Thông tư 32/2023/TT-BYT như sau:

* Đối tượng khám sức khỏe:

- Khám sức khỏe đối với công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam: khám sức khỏe định kỳ; khám phân loại sức khỏe để đi học, đi làm việc; khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên;

- Khám sức khỏe theo yêu cầu;

- Khám sức khỏe đối với người Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

* Việc khám sức khỏe tại Chương VI Thông tư 32/2023/TT-BYT không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

- Khám bệnh ngoại trú, nội trú trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Khám giám định y khoa, khám giám định pháp y, khám giám định pháp y tâm thần;

- Khám để cấp giấy chứng thương;

- Khám bệnh nghề nghiệp;

- Khám sức khỏe đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

- Khám sức khỏe đối với các ngành, nghề đặc thù.

2. Quy định về sử dụng tiêu chuẩn sức khỏe để phân loại sức khỏe

Quy định về sử dụng tiêu chuẩn sức khỏe để phân loại sức khỏe theo Điều 32 Thông tư 32/2023/TT-BYT như sau:

- Việc phân loại sức khỏe của người được khám sức khỏe thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ cho người lao động.

- Đối với những trường hợp khám sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe chuyên ngành do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ban hành hoặc thừa nhận thì việc phân loại sức khỏe căn cứ vào quy định của tiêu chuẩn sức khỏe chuyên ngành đó.

- Đối với những trường hợp khám sức khỏe theo yêu cầu, nếu không khám đầy đủ các chuyên khoa theo quy định tại mẫu giấy khám sức khỏe ban hành tại Thông tư 32/2023/TT-BYT, thì cơ sở khám sức khỏe chỉ khám, kết luận đối với từng chuyên khoa theo yêu cầu và không phân loại sức khỏe.

3. Giấy khám sức khỏe có thời hạn sử dụng trong bao lâu?

Theo khoản 4 Điều 38 Thông tư 32/2023/TT-BYT thì giá trị sử dụng của giấy khám sức khỏe, kết quả khám sức khỏe định kỳ:

- Giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe;

- Kết quả khám sức khỏe định kỳ có giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật.

4. Thời hạn trả giấy khám sức khỏe

Thời hạn trả giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ theo khoản 3 Điều 38 Thông tư 32/2023/TT-BYT như sau:

- Đối với trường hợp khám sức khỏe đơn lẻ: cơ sở khám sức khỏe trả giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ cho người được khám sức khỏe trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ kể từ khi kết thúc việc khám sức khỏe, trừ trường hợp phải khám hoặc xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người thực hiện khám sức khỏe;

- Đối với trường hợp khám sức khỏe tập thể theo hợp đồng: cơ sở khám sức khỏe trả giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ cho người được khám sức khỏe theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.

5. Quy định về phân loại sức khỏe

Phân loại sức khỏe theo Điều 37 Thông tư 32/2023/TT-BYT như sau:

- Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe của người được khám sức khoẻ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Căn cứ vào kết quả khám chuyên khoa, người thực hiện khám chuyên khoa ghi rõ bệnh, tật thuộc chuyên khoa đã khám và phân loại sức khỏe theo chuyên khoa được phân công khám.

- Căn cứ vào kết quả khám của từng chuyên khoa, người hành nghề được cơ sở khám sức khỏe phân công thực hiện việc kết luận phân loại sức khỏe và ký giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ (sau đây gọi tắt là người kết luận) thực hiện việc kết luận phân loại sức khỏe như sau:

+ Phân loại sức khỏe cho người được khám sức khỏe thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động;

+ Trường hợp người được khám sức khỏe có bệnh, tật thì người kết luận tư vấn phương án điều trị, phục hồi chức năng hoặc giới thiệu để khám bệnh, chữa bệnh.

- Sau khi phân loại sức khỏe, người kết luận phải ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ sở khám sức khỏe vào giấy khám sức khỏe hoặc sổ khám sức khỏe định kỳ. Dấu sử dụng trong giao dịch chính thức của cơ sở khám sức khỏe theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.

- Đối với những trường hợp khám sức khỏe theo bộ tiêu chuẩn sức khỏe chuyên ngành do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ban hành hoặc thừa nhận thì việc phân loại sức khỏe căn cứ vào quy định của bộ tiêu chuẩn sức khỏe chuyên ngành đó.

- Đối với những trường hợp khám sức khỏe theo yêu cầu nhưng không khám đầy đủ các chuyên khoa theo mẫu giấy khám sức khỏe quy định tại Thông tư 32/2023/TT-BYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi thực hiện việc khám sức khỏe chỉ khám, kết luận đối với từng chuyên khoa theo yêu cầu của người được khám sức khỏe và không phân loại sức khỏe.


 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,154

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]